Mùa vàng du lịch

Minh Quân-Phạm Sỹ 12/04/2023 07:31

Với kỳ nghỉ dài (5 ngày) vào dịp 30/4 và 1/5 trùng với ngày Giỗ tổ Hùng Vương, du lịch Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ có một “mùa vàng” đầy sôi động. Tuy nhiên, với nhu cầu tăng cao đây cũng là thách thức với ngành du lịch trước những nguy cơ như quá tải, hay vấn nạn “chặt chém”.

Thời điểm này nhiều địa phương đã ra mắt những mô hình du lịch mới, điểm du lịch mới. Ảnh: Quang Vinh.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được Chính phủ giao chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường liên kết, phát triển các sản phẩm du lịch mới, chất lượng. Đặc biệt, tổ chức tốt mùa du lịch hè 2023, góp phần phục hồi và phát triển du lịch.

Mùa du lịch hè đã bắt đầu. Ảnh: Quang Vinh.

“Mở cửa” du lịch hè

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 luôn được xem là ngày “mở cửa” của mùa du lịch hè với hàng loạt các sự kiện được tổ chức tại các điểm đến. Có thể kể đến như Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ hội Carnaval Hạ Long, Tuần văn hóa du lịch Đồng Hới (Quảng Bình), Lễ hội Văn hóa - Ấm thực Việt Nam tại Quảng Trị, Hội chợ du lịch quốc tế tại Hà Nội…

Ngay từ thời điểm này các doanh nghiệp (DN) lữ hành đã “tung ra” nhiều sản phẩm du lịch, tour trải nghiệm với giá ưu đãi, khuyến mại nếu khách hàng mua sớm.

Bà Phạm Thị Thanh Tâm - Công ty cổ phần Gbest Việt Nam cho biết, hiện công ty đã lên kế hoạch cho mọi sản phẩm đối với tour đường bay và tour đường bộ. Hầu hết du khách đi nghỉ dịp này đăng ký rất sớm. Những dịch vụ đã có sự chuẩn bị. Những tuyến được lựa chọn thường là Phú Quốc, Quy Nhơn, Nha trang… Đối với tuyến đường bộ sẽ là những tuyến đi Cao Bằng, Hà Giang…

Cục Hàng không Việt Nam dự báo, trong 5 ngày nghỉ lễ từ 29/4 đến 3/5, lượng khách du lịch bằng đường hàng không sẽ tăng 18-20% so với cùng thời điểm năm 2019, đạt ngưỡng xấp xỉ 1 triệu lượt. Trong đó, khách bay nội địa chủ yếu hướng đến các điểm du lịch miền Bắc, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Cam Ranh, Phú Quốc... 2 sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) và Nội Bài (Hà Nội) hứa hẹn là đầu mối trung chuyển khách tấp nập nhất. Đối với đường bay quốc tế, dù hoạt động chưa trở lại như giai đoạn trước dịch nhưng cũng đã có nhiều tín hiệu phục hồi.

Được biết, mùa du lịch hè 2023 tại Việt Nam được các tạp chí du lịch quốc tế đánh giá cao. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam vừa được chuyên trang du lịch Travel Off Path (Mỹ) giới thiệu là một trong những đất nước thu hút nhất trong mùa hè này, bên cạnh Nhật Bản, New Zealand, Pháp và Italy. Trong khi đó, theo số liệu từ nền tảng đặt phòng Expedia, hiện lượng tìm kiếm về các điểm đến đã tăng 50% so với năm trước. Sau Nhật Bản, quốc gia châu Á thứ 2 nhận được sự mến mộ của nhiều du khách người Mỹ chính là Việt Nam.

Khách du lịch thưởng lãm xích lô Hà Nội.

Bài toán cung cầu

Tuy nhiên, cùng với những kỳ vọng về sự bùng nổ của mùa du lịch hè 2023, ngành du lịch cũng đang đứng trước thách thức với những “nút thắt” cố hữu như việc “vỡ trận” tại một số điểm đến, vấn nạn chặt chém… Đặc biệt, mối lo ngại về tour du lịch “0 đồng”, giá rẻ làm giảm chất lượng sản phẩm du lịch khiến không ít doanh nghiệp lo lắng.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, cách gọi tour “0 đồng” chỉ là quảng cáo cho loại hình du lịch rẻ hơn so với những tour thông thường. Thực chất, với những tour kiểu này, đơn vị tổ chức sẽ giảm đi các chi phí trải nghiệm của khách, tăng thời gian mua sắm. Nhiều quốc gia vẫn tồn tại các tour giá rẻ để đáp ứng một bộ phận du khách. Loại hình du lịch giá rẻ có mặt tích cực là thu hút đông khách đến, kích thích việc trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, mặt hạn chế là không bền vững, đôi khi khiến môi trường du lịch xô bồ, giảm chất lượng dịch vụ điểm đến.

Bên cạnh đó, dù đang rất nỗ lực, các DN du lịch cũng gặp khó khăn khi thiếu hụt nguồn nhân lực. Nhiều DN cho biết, họ đã phải gấp rút tuyển dụng nhân sự. Tuy nhiên đã qua quý 1 nhưng chỉ lấp đầy được khoảng 60%. Tại một số DN, nhân viên phải đảm trách nhiều vị trí một lúc. Với những vị trí không quan trọng thì phải sử dụng lao động bán thời gian, thời vụ để ứng phó thời gian cao điểm.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Viện trưởng Phát triển du lịch châu Á, Phạm Hải Quỳnh cho biết, kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kết hợp với nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương sẽ vừa là cơ hội và cả những thách thức cho ngành du lịch. Cũng theo ông Quỳnh, để chuẩn bị cho các mùa du lịch hè, đa phần các địa phương đều đã có sự chuẩn bị rất chu toàn từ việc đón khách cho đến những phương án dự phòng khi khách quá tải hoặc những trường hợp phá giá cạnh tranh… Tuy nhiên, dù các địa phương đã lường trước vấn đề đó nhưng khó tránh khỏi những bất cập có thể xảy ra. Thực tế việc tổ chức mùa du lịch hè, đặc biệt là thời điểm nghỉ lễ 30/4 và 1/5 luôn là những thách thức với địa phương trong vấn đề quản lý hoạt động. Đây thời điểm này tốt nhất các địa phương và đơn vị làm du lịch cần rà soát lại các dịch vụ của mình đã có và có nhiều phương án dự phòng cho những phương án xảy ra.

“Vai trò của truyền thông quảng bá là vô cùng quan trọng đối với từng điểm đến. Thời điểm này nhiều địa phương đã ra mắt nhiều mô hình du lịch mới, điểm du lịch mới vì vậy ta cần gắn kết, kết nối thật tốt để chia sẻ nhiều nhất đến khách hàng những điểm đến của mình, cho khách hàng cơ hội trải nghiệm dịch vụ mới của du lịch Việt Nam” - ông Quỳnh bày tỏ.

Chủ tịch Lux Group Phạm Hà:

Cảnh giác với tour “0 đồng”

Đối với các tour “0 đồng” cơ quan quản lý du lịch và các địa phương cần có chính sách quản lý tốt các loại hình dịch vụ giá rẻ để có thể giữ được tiền chi tiêu của khách tại Việt Nam; đồng thời bảo đảm được môi trường hoạt động du lịch lành mạnh, giữ chân những dòng khách cao cấp. Tại thời điểm này, du lịch Việt Nam đang nỗ lực để thu hút khách quốc tế và chất lượng dịch vụ, giá cả sẽ là điều kiện để cạnh tranh với các quốc gia. Tâm lý của du khách là thích đi du lịch với giá thấp nhưng nếu dịch vụ không bảo đảm thì giá rẻ sẽ khiến họ chỉ trải nghiệm 1 lần mà không quay trở lại. Vì thế, điều quan trọng là nâng cấp chất lượng dịch vụ ở các trải nghiệm, bữa ăn, thái độ phục vụ để khách sẵn sàng chi tiền.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa vàng du lịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO