Văn phòng Chính phủ vừa tổ chức Lễ khai trương Trục liên thông Văn bản quốc gia. Thủ tướng cũng vừa phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia. Tất cả những việc làm này là để phục vụ nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền trong cung cấp dịch vụ công. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã khẳng định như vậy.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
PV: Thủ tướng vừa phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia, như vậy sẽ có rất nhiều dịch vụ công sẽ lên Cổng dịch vụ công quốc gia thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Đúng vậy, sẽ có nhiều dịch vụ công sẽ phải công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Như dịch vụ cấp đổi giấy phép lái xe chẳng hạn, ngay tại Lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông vận tải và Văn phòng Chính phủ phải sớm đưa vào vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia trong đó triển khai thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe cho người dân làm sao cho thuận lợi, kết nối từ Trung ương đến địa phương, từ Tổng cục Đường bộ đến các trung tâm của các địa phương để làm sao mang tính minh bạch, công khai, rõ ràng. Hiện nay mình để người dân chờ đợi thủ tục này rất lâu, mất thời gian mình làm thế này để tạo thuận lợi cho người dân. Việc triển khai cấp, đổi giấy phép lái xe sẽ thực hiện trên Cổng Dịch vụ công quốc gia vào quý 4 năm nay.
Thủ tướng chỉ đạo, những gì thuộc dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp phải làm trước, làm trước làm sao nó phải tiện ích về vấn đề vận hành, kết nối đăng ký nhập phải tích hợp, tiện ích dễ làm, chi phí phải rẻ so trước đây. Thực sự thủ tục ấy phải đúng như những gì chúng ta mong đợi, nó phải nhanh gọn, cắt giảm được phiền hà tiêu cực. Nhưng để đạt được điều này thì không thể một sớm, một chiều phải có quá trình.
Tại cuộc khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, Bộ trưởng có nói đến con số tiết kiệm được hơn 1.200 tỷ đồng/năm, vậy cụ thể con số này là thế nào thưa Bộ trưởng?
- Tính sơ bộ so việc nhận gửi văn bản truyền thống bằng giấy tiết kiệm hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó 154,3 tỷ liên quan đến giấy mực, photo, sao, chụp; tiết giảm 575 tỷ đồng liên quan đến bưu chính như phải phát hành bưu điện, chuyển văn bản; tiết kiệm thời gian so với gửi, nhận văn bản, đó còn chưa kể giảm thời gian là giảm chi phí….
Như vậy, tổng thể chúng ta tính sơ bộ, trừ chi phí thuê dịch vụ của nhà đầu tư mình vẫn tiết kiệm hơn 1200 tỷ đồng/năm. Đây là con số mình tính được, còn chưa tính đến việc nếu dùng văn bản điện tử sẽ tạo ra minh bạch, kỷ cương và nhiều lợi ích khác. Chẳng hạn văn bản đến sớm triển khai sớm mang lại hiệu quả cho nhân dân, khi DN, người dân nhận được thủ tục ấy sớm ngày nào thì cơ hội của người ta sẽ thuận lợi hơn so với trước đây. Sẽ có sự công khai kiểm soát, khiến minh bạch hơn. Chẳng hạn người dân gửi văn bản này đến đây người ta có thể theo dõi đường đi của văn bản, nó đang đến đâu, cơ quan nào chưa trả lời người ta sẵn sàng có ý kiến. Các cơ quan chức năng sẽ giám sát, kiểm soát.
Ai cũng biết lợi ích của chính quyền điện tử nhưng không phải cán bộ nào cũng hào hứng thực hiện thưa Bộ trưởng?
-Chính quyền, chính phủ điện tử là thay đổi tư duy, cách làm. Trước đây là bưng bít, không muốn công khai, muốn độc tôn, độc quyền vì việc của anh này, cô này chỉ muốn một mình họ biết, họ sẽ gặp đối tượng là người dân, doanh nghiệp để gây khó dễ. Nhưng làm thế này là tạo ra một hồ sơ toàn bộ trên điện tử hết, cán bộ đương chức, thực thi công vụ không cần phải gặp người dân, doanh nghiệp để làm các thủ tục như trước chỉ đến thời hạn thì nhận.
Một nền hành chính hiện đại, một chính phủ kiến tạo hành động đòi hỏi cán bộ phải trau dồi, tinh thông nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức, khi làm việc này người ta thường có ý thức mình làm có người theo dõi, giám sát, mình mà có gì đó không ổn sẽ có người phản ảnh đánh giá thì anh sẽ không dám làm sai.
Muốn triển khai tốt Cổng Dịch vụ công quốc gia mà nội bộ các sở ngành chưa thông suốt, phải chăng rất khó thực hiện, thưa Bộ trưởng?
- Đây chính là điểm nghẽn. Hiện nay có tình trạng 1 tỉnh có nhiều sở, ngành nhưng mỗi sở, ngành có phần mềm khác nhau, không kết nối với nhau. Điều này cần khắc phục. Tới đây trên cơ sở có Trục liên thông văn bản quốc gia và sắp tới là Cổng Dịch vụ công quốc gia thì tất cả các DN viết phần mềm phải tuân thủ quy định ấy. Như vậy, phần mềm luôn được kết nối mới có khung, thiết kế tổng thể, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả. Nếu ban hành ra mọi thứ không chuẩn hóa sẽ lãng phí.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!