Mức hỗ trợ cho người lao động, thân nhân người lao động được tính như thế nào?

An Chi 02/07/2021 08:00

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Trong đó, tăng tiền hỗ trợ lao động mất việc do thiên tai, hỏa hoạn phải về nước; hỗ trợ cho gia đình thân nhân có lao động bị chết khi làm việc ở nước ngoài...  là những nội dung mới mà Bộ LĐTBXH đề xuất.

Theo Cục Quản Lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp cho biết trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 34.912, đạt 38,79% kế hoạch năm 2021. Hai thị trường tiếp nhận chính vẫn là Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Trong đó Nhật Bản tiếp nhận 18.355 lao động, Đài Loan tiếp nhận 15.055 lao động.

Căn cứ vào báo cáo đánh giá tác động trước khi ban hành dự thảo lấy ý kiến của Bộ LĐTB&XH cho thấy, sau gần 14 năm hoạt động, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước (theo Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg ngày 31/8/2007) đã thực hiện được các mục tiêu cơ bản, góp phần tích cực trong việc ổn định và phát triển thị trường lao động, hỗ trợ giải quyết rủi ro cho người lao động và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Quỹ đã khẳng định được vai trò quan trọng đối với hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chủ động nguồn lực để hỗ trợ, xử lý các tình huống khẩn cấp trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình điều hành Quỹ còn gặp một số hạn chế khó khăn, như: Doanh nghiệp lợi dụng quy định cho doanh nghiệp chủ động trong việc kê khai, đóng góp để khai mức thu tiền dịch vụ thấp hơn so với thực tế, từ đó có thể trốn tránh nghĩa vụ thuế và đóng góp Quỹ; một số nội dung chi, mức chi chậm được điều chỉnh trong khi hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày càng đa dạng, chỉ số giá tiêu dùng, tỷ giá ngoại tệ liên tục tăng; nhiều tình huống, nhiều dạng rủi ro của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài chưa được đề cập tại Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg.

Bộ LĐTB&XH đã dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước kế thừa những kết quả tích cực và khắc phục những tồn tại, hạn chế của Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg.

Theo đó, đối với thân nhân của người lao động bị chết hoặc mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài, Bộ LĐTB&XH đề xuất mức hỗ trợ là 30.000.000 đồng/trường hợp, tăng 3 lần so với mức hỗ trợ tại Quyết định 144/2007/QĐ-TTg. Dự thảo cũng quy định hỗ trợ cho người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc.

Cụ thể, người lao động có thời gian làm việc thực tế dưới ½ thời hạn hợp đồng làm việc ở nước ngoài mức hỗ trợ 20 triệu đồng/trường hợp và người lao động có thời gian làm việc thực tế từ ½ thời hạn hợp đồng làm việc ở nước ngoài trở lên, mức hỗ trợ 15 triệu đồng/trường hợp.

Đối với người lao động khi phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng và người lao động phải về nước trước thời hạn do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài… dự thảo đề xuất hỗ trợ với các mức cụ thể là: Người lao động có thời gian làm việc thực tế dưới 1/2 thời gian hợp đồng, mức hỗ trợ 15.000.000 đồng/trường hợp và người lao động có thời gian làm việc thực tế từ ½ thời hạn hợp đồng trở lên, mức hỗ trợ 10.000.000 đồng/trường hợp.

Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất hỗ trợ giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến người lao động. Theo đó, hỗ trợ cho người lao động chi phí ăn, ở trong thời gian người lao động chờ giải quyết tranh chấp với người sử dụng lao động, chuyển chủ sử dụng theo quy định hoặc phải về nước trước thời hạn mà không phải lỗi của người lao động, mức 500.000 đồng/người/ngày, tối đa không quá 10.000.000 đồng/người.

Hỗ trợ bằng 50% cho phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý trong trường hợp tranh chấp lao động phức tạp giữa người lao động hoặc nhóm lao động với người sử dụng lao động, tối đa bằng 25.000.000 đồng cho 1 vụ việc phát sinh tranh chấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mức hỗ trợ cho người lao động, thân nhân người lao động được tính như thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO