Sau khoảng thời gian dài kể từ khi Luật Doanh nghiệp đầu tiên được ban hành vào năm 1990, đến nay kinh tế tư nhân đã có bước chuyển mình mạnh mẽ về quy mô.
Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68, tiếp tục khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Và nhằm thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, tạo cú hích, đòn bẩy cho kinh tế tư nhân phát triển, ngày 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến dự thảo Nghị quyết cơ chế đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Năm nay, Chính phủ tập trung rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, thiếu phù hợp đang kìm hãm sự phát triển của khu vực tư nhân. Theo đó, cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ pháp luật và 30% điều kiện kinh doanh…
Chính phủ cũng đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp theo hướng không phụ thuộc địa giới hành chính, mục tiêu đến 2028 đưa môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vào nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN và 30 thế giới.
Điểm đáng chú ý là Nghị quyết 68 đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2030, cả nước phải đạt 2 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, có nghĩa là ít nhất mỗi năm phải thành lập thêm khoảng 200.000 doanh nghiệp mới. Trong khi đó, theo thống kê, hiện cả nước có hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh. Vì vậy, để đạt mục tiêu Nghị quyết 68 đề ra, giải pháp khả thi là thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp.
Theo số liệu của Cục Thống kê, cả nước có hơn 89.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 4 tháng đầu năm, tăng gần 10% so với cùng kỳ 2024. Tổng vốn đăng ký và bổ sung gần 1,8 triệu tỷ đồng, tăng trên 91%. Cùng giai đoạn, hơn 38.300 doanh nghiệp quay lại hoạt động, tăng 29%. Trung bình mỗi tháng có 9.600 công ty quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay.
Tại hội thảo "Dòng chảy pháp luật 2024-2025 và những khuyến nghị cho doanh nghiệp" mới đây, theo Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đến 2030 rất quan trọng và chúng ta nên xây dựng thành "KPI" chính của các địa phương trong đánh giá phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Như vậy, bộ máy chính quyền sẽ tập trung vào hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp phát triển.
Cùng với việc có 2 triệu doanh nghiệp, Nghị quyết 68 đặt mục tiêu có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đến 2030, tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12% mỗi năm, góp khoảng 55-58% GDP. Ông Tuấn cho rằng, thực ra, việc doanh nghiệp sẽ tạo ra bao nhiêu việc làm mới và tỷ lệ thất nghiệp giảm như thế nào, mới là vấn đề mà người dân và cả giới kinh doanh quốc tế quan tâm. Cũng theo ông Tuấn, việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, tạo công ăn việc làm, giải quyết những vấn đề về an sinh xã hội chính là vai trò và trách nhiệm của đội ngũ doanh nghiệp.
Lâu nay, người dân thường phải lao ra các thành phố lớn vì thiếu việc làm tại địa phương. Vì thế, theo các chuyên gia, đối với các địa phương, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và miền núi phía Bắc nên tập trung vào hình thành doanh nghiệp, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân tạo ra việc làm cho người dân. Chính cơ hội cải thiện thu nhập tại quê nhà sẽ giải quyết được vấn đề về di cư đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.