Chỉ trong vòng khoảng 6 năm trở lại đây, người dân sinh sống tại khu phố 4, 5, phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa đã bị mất hàng chục nghìn m2 đất canh tác trên khu bãi bồi, thuộc tả ngạn sông Lạch Trường do tình trạng sạt lở gây nên. Nguyên nhân tựu chung lại vẫn là do tình trạng lợi dụng vào dự án nạo vét lòng sông để khai thác cát trái phép.
Hút cát trái phép!
Chúng tôi có mặt tại khu vực sản xuất rau màu nằm phía tả ngạn sông Lạch Trường, phường Tào Xuyên một ngày đầu tháng 6, hầm hập nắng. Tại đây là những mảng đất lớn đang đổ ụp xuống, kéo theo các loại cây như ngô, lạc, rau ngót, xoan đào… trôi tuột xuống lòng sông như chưa hề tồn tại. Nhiều người dân cho biết: Tình trạng sạt lở đã kéo dài 6 – 7 năm nay và ăn sâu vào phần diện tích đất màu của bà con đến cả vài chục mét và kéo dài theo bờ sông hàng trăm mét.
Đang cùng người cháu cắt vội mớ cỏ voi, trước khi chúng bị dòng sông lấy đi, bà Nguyễn Thị Thanh, một hộ dân có đất sản xuất tại khu vực sạt lở nói trong tâm trạng bất lực: Tình trạng sạt lở đã diễn ra từ khá lâu. Tuy nhiên nó chỉ diễn biến phức tạp hơn khi có dự án nạo vét lòng sông Lạch Trường vào năm 2014. Đến khoảng năm 2019, sau khi dự án hết hiệu lực, các thuyền hút cát trái phép vẫn rầm rộ thúc vòi rồng xuống lòng sông để ăn cắp tài nguyên, khiến tình trạng sạt lở càng trở nên nghiêm trọng.
“Ngày cũng như đêm, có cả chục thuyền cát luôn hoạt động hết công suất tại khúc sông này. Nếu không có biện pháp khắc phục, chỉ vài năm nữa, cả khu đất bồi màu mỡ này sẽ biến mất!”, bà Thanh nói. Cũng theo bà Thanh, khu đất này trước nay vốn rất phì nhiêu, phù hợp canh tác các loại cây màu.
Thậm chí, đã từng một thời, có công ty thực phẩm về đây thuê thầu sản xuất rau sạch, bao tiêu hoa màu cho bà con địa phương. Tuy nhiên, kể từ khi diện tích đất sản xuất bị thu hẹp do sạt lở gây ra, phía công ty thực phẩm này cũng đã phải “bỏ của chạy lấy người”.
Ông Tào Phi Hùng trú tại khu phố 5, phường Tào Xuyên cho biết, trước kia, có 1,5 ha đất sản xuất rau màu sát bờ sông Lạch Trường. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở do hoạt động khai thác cát trái phép đã cướp đi 90% số diện tích đất do sạt lở. Số diện tích còn lại là quá nhỏ và vẫn đang bị mất dần nên ông cũng bỏ hoang, thôi canh tác.
Tìm hiểu thêm từ phía chính quyền, chúng tôi được biết: Bà Thanh, ông Hùng chỉ là 2 trong số khoảng 50 hộ dân phường Tào Xuyên bị mất đất canh tác tại đây do tình trạng sạt lở gây ra.
“Lời hứa gió bay!”
Trong tâm trạng khá bức xúc, ông Lê Ngọc Lại, Trưởng khu phố 5, phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa cho biết: Vào khoảng năm 2014, trước khi triển khai dự án nạo vét sông Lạch Trường, Ban quản lý dự án giao thông 2, thuộc Sở GTVT (chủ đầu tư) đã thành lập đoàn, xuống kiểm kê tài sản, hoa màu và hỗ trợ đền bù cho bà con. Song, quá trình triển khai dự án, việc nạo vét sai quy trình, không đúng thiết kế, cùng với đó là tình trạng “cát tặc” lợi dụng dự án lộng hành khiến cho hàng nghìn mét vuông đất màu của bà con không cánh mà bay.
Quá bức xúc, người dân đã làm đơn kiến nghị gửi các cấp có thẩm quyền đề nghị giải quyết quyền lợi cho người dân. Vấn đề trên còn được cử tri đưa ra kiến nghị tại tất cả các cuộc họp hội đồng nhân dân cũng như tiếp xúc cử tri. Sự việc sau đó được Ban Quản lý dự án một lần nữa về kiểm kê, lên danh sách đền bù, hỗ trợ bà con. Song, đến nay số tiền trên vẫn chưa hộ dân nào nhận được. “Bây giờ bà con chúng tôi không mong muốn gì hơn là nhà nước có câu trả lời là có hỗ trợ, đền bù hay không”, ông Lài khẳng khái nói.
Ông Trần Xuân Huy, Chủ tịch UBMTTQ phường Tào Xuyên thừa nhận: Tình trạng sạt lở diễn ra tại khu phố 4, phố 5 từ nhiều năm nay và nỗi lo của bà con trước mùa mưa lũ là hoàn toàn có cơ sở. Tình trạng “cát tặc” là nguyên nhân chính dẫn tới sạt lở.
Về việc hỗ trợ, đền bù cho bà con, ông Huy cho rằng: “Chính quyền, bà con đã nhiều lần kiến nghị, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Trước mắt, để đảm bảo quyền lợi cho bà con, chính quyền phường Tào Xuyên cũng đã có những cắt, giảm về thuế, thầu. Nhưng để xử lý triệt để tình trạng sạt lở trên cần có nhiều giải pháp và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ban ngành, từ việc siết chặt nạn khai thác cát trái phép cho tới sự đầu tư đê, kè kiên cố”.