Chiều 11/11, phát biểu tại cuộc làm việc với Ban thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh An Giang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, muốn sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ tốt buộc phải có chứng nhận an toàn.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc.
Dự buổi làm việc có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ An Giang Võ Thị Ánh Xuân.
An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, lại nằm ở tuyến phòng thủ chủ yếu của tuyến biên giới Tây Nam nên có một vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng và đối ngoại.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trong năm qua, kinh tế An Giang đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế - GRDP 6,5 % - mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Trong đó, có nhiều tín hiệu tốt cho kinh tế An Giang khi mô hình rau màu như dưa lưới đạt hiệu quả kinh tế gấp 5-6 lần lúa. Hiện tỉnh đã hợp tác với phía Mỹ để mua giống và có hướng xây dựng nhà máy để bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm.
An Giang hiện có 10 mô hình ứng dụng công nghệ cao và tỉnh tiếp tục nhân rộng, chuyển dịch từ diện tích trồng lúa sang công nghệ cao như rau màu, ngô để cung cấp cho các nhà máy.
Tuy nhiên kinh tế của An Giang vẫn phụ thuộc nhiều vào các mặt hàng nông sản chủ lực là lúa và thuỷ sản nhưng trong thời điểm hiện nay đang gặp nhiều khó khăn về giá cả thị trường, trong khi tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số lĩnh vực kinh tế phục hồi chậm.
Quang cảnh buổi làm việc.
Bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư tỉnh uỷ An Giang cho biết, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng nhưng so với mặt bằng chung của các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang vẫn ở mức thấp vì vậy, An Giang đang rất trăn trở tìm các hướng đi mới và chuyển dịch hoa màu, tập trung xuất khẩu vào 3 mặt hàng chính là lúa, cá và rau màu.
Nếu không có chuyển dịch An Giang sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào An Giang.
Hiện An Giang đã đưa ra 6 chương trình trọng tâm đặc biệt là chương trình phát triển nông thôn mới, cùng với đó là chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút đầu tư, từ đó cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.
Trở lại An Giang, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ niềm vui khi An Giang có nhiều thay đổi, nhất là trong tăng trưởng kinh tế, là tỉnh nhiều năm liền có nhiều mô hình đổi mới, huy động sự tham gia của các mô hình hợp tác xã, liên minh hợp tác xã trong phát triển nông nghiệp.
Đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm nông sản chủ lực của An Giang như gạo, thuỷ sản, trái cây đang gặp khó trong giá cả, thị trường, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, sản phẩm nông sản liên quan trực tiếp đến người nông dân, nếu thu nhập nông nghiệp thấp thì mục tiêu giảm nghèo khó thực hiện.
Để giải quyết bài toán vốn và thị trường cho các sản phẩm nông sản chủ lực của An Giang, theo người đứng đầu Mặt trận, cần chú trọng hình thành liên hiệp hợp tác xã tiêu thụ nông sản sạch tại An Giang theo nhóm: lúa, cá tôm và rau củ quả với mục tiêu chỉ mua từ hợp tác xã để từ đó thúc đẩy phát triển trong hợp tác xã, hợp tác xã trực tiếp tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo đầu ra cho từng sản phẩm.
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp hướng tới sản xuất quy mô lớn với các sản phẩm chủ lực, sử dụng các giống chất lượng và năng suất cao, quy trình canh tác hiện đại gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm thì chủ thể quan trọng nhất của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp phải là các hợp tác xã.
Liên minh hợp tác xã Việt Nam vừa khai trương chuỗi siêu thị nông sản, thực phẩm sạch Việt Nam do liên hiệp hợp tác xã nông sản sạch đứng ra thu mua hàng của các hợp tác xã có kiểm nghiệm, chứng nhận sản phẩm an toàn và đưa sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng trên cả nước.
Các đại biểu phát biểu.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, An Giang nên nghiên cứu, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đưa sản phẩm nông sản của mình tham gia vào chuỗi siêu thị này vì tất cả những sản phẩm khi tham gia sẽ được chứng nhận an toàn.
“Muốn sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ tốt buộc phải có chứng nhận an toàn” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Bản chất của nông nghiệp sạch là xuất khẩu, tốc độ tăng xuất khẩu sẽ quyết định tốc độ tăng GDP.
Trong 5 năm qua, xuất khẩu của An Giang giảm nên GDP cũng giảm. Vì vậy, theo người đứng đầu Mặt trận, xuất khẩu của An Giang nên tập trung vào các nước châu Á trước tiên.
Chia sẻ với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ An Giang về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng chỉ số cạnh tranh, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, An Giang cần chuẩn bị tốt 4 sẵn sàng.
Thứ nhất, để thu hút được đầu tư phải hoan nghênh những doanh nghiệp có nội lực tốt, phải hỗ trợ đầu tư và có chính sách tốt trong tạo điều kiện quy hoạch khu công nghiệp.
Thứ hai là sẵn sàng cung cấp đất.
Thứ ba là sẵn sàng cho đào tạo nhân lực và thứ tư là tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh sau 1 ngày đăng ký.
Đối với các mô hình sản xuất, mô hình nông dân và doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của ngân hàng trong việc khuyến khích đầu tư, mô hình nông dân - hợp tác xã, mô hình kết nối chuỗi nông dân - doanh nghiệp - hợp tác xã..., hình thành nên chuỗi sản xuất và mô hình sản xuất tương thích để tránh thiệt thòi cho người nông dân.
Với đường biên giới dài gần 100 km, An Giang có 2 cửa khẩu quốc tế và nhiều đường mòn, lối mở tiếp giáp với 2 tỉnh Kandal và Takeo, Vương quốc Campuchia. Chính vì vậy, công tác đối ngoại nhân dân được xem là một nhiệm vụ quan trọng, trong đó có vai trò của Mặt trận tỉnh An Giang. Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang đã vận động và tổ chức 4 đợt thăm và tặng quà, khám bệnh cho nhân dân, học sinh nghèo Campuchia với tổng số quà 1.050 phần, trị giá 375 triệu đồng; tham gia cùng Đoàn đại biểu tỉnh sang Campuchia chúc tết cổ truyền Chol Chhnam Thmay; dự đại hội đại biểu toàn quốc Campuchia lần thứ 2; tổ chức Hội nghị sơ kết nội dung hợp tác giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang với Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia tỉnh Kandal và tỉnh Takeo, từ năm 2015-2016. Cùng với đó, phối hợp với Đồn Biên phòng tại các địa phương tặng 1.050 phần quà và khám bệnh cho người nghèo Campuchia ở các xã đường biên... |