Những ngành công nghiệp chính dễ bị tổn thương nhất khi Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ…
Con số kỷ lục
Rạng sáng 3/4 giờ Việt Nam (tối ngày 2/4 giờ Mỹ), chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia bị đánh thuế đối ứng cao 46% đối với 90% mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ. Mức thuế mà Mỹ dự kiến áp cho hàng hóa Việt Nam thuộc hàng cao nhất trong số hàng chục nền kinh tế bị áp thuế đối ứng theo sắc thuế được ông Trump ký cùng ngày.
Việc đánh thuế của Mỹ đối với hàng hoá nhập khẩu vào nước này sẽ khiến khoảng 60 quốc gia sẽ ảnh hưởng. Các mức thuế quan đối ứng này sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4.
Các nước sẽ còn khoảng 1 tuần nữa để đàm phán với phía Mỹ về các mức thuế đối ứng mà Mỹ xây dựng trước khi nước này thực hiện chính thức vào ngày 9/4.
Ngày 3/4 ông Võ Hồng Thắng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng DKRA Consulting kiêm Giám đốc đầu tư DKRA Grou cho biết, bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Cụ thể, việc Tổng thống Trump vừa tuyên bố áp thuế đối ứng lên nhiều quốc gia, trong đó mức thuế đối với hàng hóa từ Việt Nam lên tới 46%, khiến các kịch bản dự báo cần được điều chỉnh theo diễn biến thực tế. Đây được xem là một ẩn số lớn đối với nền kinh tế nói chung.
Trong khi đó, chuyên gia về thương mại điện tử, ông Vũ Bảo Thắng (Founder & CEO, Meta Ecom Group) nhận xét: "46% là con số ám ảnh nhất ngày hôm nay".
Mức thuế 46% áp dụng lên hàng hóa Việt Nam cao hơn nhiều so với các con số mà các chuyên gia trước đó đã dự đoán (mức cao nhất khoảng 11% dành cho Việt Nam). Mức này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhóm doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ nhưng cũng sẽ có hệ lụy lớn đến toàn bộ nền kinh tế, các doanh nghiệp khác vì Mỹ đang chiếm tới 30% tổng kim ngạch xuất khẩu (và trong các báo cáo năm 2024, xuất khẩu chiếm tới 85.1% GDP và 30% số lao động của Việt Nam).
Còn ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, giả sử kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ không đổi, 119 tỷ USD mỗi năm (năm 2024, Hoa Kỳ nhập khẩu 119,6 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam), thì hàng hóa của Việt Nam sẽ phải chịu khoảng 54,74 tỷ đô tiền thuế, tương đương hơn 10% GDP của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, trước đây có ý kiến cho rằng, Mỹ áp thuế Việt Nam cũng không vấn đề gì, vì Mỹ cũng sẽ áp thuế tương tự đối với nước khác, nên hàng của Việt Nam cũng sẽ không bị giảm tính cạnh tranh.
“Tuy nhiên, điều tồi tệ đã diễn ra khi mà mức thuế đối với các đối thủ cạnh tranh chính lại thấp hơn chúng ta. Thái Lan 36%, Ấn Độ 26%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Bangladesh 37%, Philippines 17%, Pakistan 29%... Chúng ta tương đương với Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc. Như vậy, nếu xét tương quan thì hàng hóa của Việt Nam sẽ chịu thuế cao hơn khoảng 10-20% so với đối thủ chính”, ông Nguyễn Minh Đức cho hay.
Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ trong năm 2024 đạt gần 119,6 tỷ USD, tăng 23,1% so với năm trước. Trong khi ở chiều ngược lại, chúng ta nhập khẩu hơn 15 tỷ USD từ thị trường này.
Trong đó, hơn một nửa giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm hàng điện tử tiêu dùng, điện thoại thông minh, các sản phẩm may mặc và giày dép, còn lại là các sản phẩm khác như nội thất và nông sản.
Cụ thể, trong năm 2024, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu là máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 23,2 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 19,4% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 22,05 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 18,4%. Xuất khẩu hàng dệt may đạt 16,2 tỷ USD, chiếm 13,5% tỷ trọng xuất khẩu.
Ngoài ra, 3 mặt hàng tiếp theo cũng có giá trị tương đối lớn gồm điện thoại 9,8 tỷ USD, gỗ 9 tỷ USD và giày dép 8,3 tỷ USD.
Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản cũng có đóng góp quan trọng. Hạt điều đạt giá trị 1,15 tỷ USD, cà phê ghi nhận 322,83 triệu USD, trong khi hàng thủy sản và hàng rau quả lần lượt đạt 1,83 tỷ USD và 360,41 triệu USD. Năm 2024, Việt Nam là đối tác lớn thứ 8 của Mỹ, chiếm 4,13% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Bước sang năm 2025, đây vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta. Số liệu của Cục Hải quan cho thấy, trị giá xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong 2 tháng đầu năm 2025 đạt 19,56 tỷ USD, tăng 16,5%, tương ứng tăng 2,77 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu gần 2,6 tỷ USD từ thị trường này.
Doanh nghiệp sốc, nhiều ngành hàng bị tổn thương
Giới chuyên gia đã thẳng thắn đưa ra quan điểm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bị sốc, tạm thời chưa biết phải ứng phó thế nào khi Mỹ áp mức thuế chung cho Việt Nam cao tới mức không thể tưởng tượng được.
Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ với báo giới, nếu mức thuế cao như vậy vẫn được duy trì, xuất khẩu sụt giảm, dòng vốn có vốn đầu tư FDI vào Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ cũng sẽ giảm, từ đó có tác động tiêu cực lớn đến xuất khẩu và mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% của Việt Nam trong năm 2025. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước phải nỗ lực tìm mọi biện pháp để ứng phó.
Trước tình hình này, các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước cần phải nhanh chóng tìm kiếm các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á để thay thế thị trường Mỹ. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng do quy mô thị trường nhỏ hơn và khó khăn trong việc làm ăn với các đối tác mới.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đang báo cáo với Chính phủ về tác động chính sách thuế quan của Mỹ đối với xuất khẩu và ảnh hưởng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, cũng như các giải pháp để giảm thâm hụt thương mại với Mỹ.
Trong một báo cáo của Công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Rating đánh giá chính sách thuế quan của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo VIS Rating, trong những năm qua, Việt Nam đã hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư nước ngoài và sự chuyển dịch trong chuỗi cung ứng toàn cầu để trở thành trung tâm sản xuất quan trọng cho nhiều tập đoàn đa quốc gia.
Việc Mỹ tăng thuế sẽ khiến những ngành công nghiệp chính bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ. Các ngành này chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, và nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu xuất khẩu phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, kỳ vọng tác động sẽ phân hóa giữa các ngành và từng công ty. Các công ty đa quốc gia sản xuất điện tử và thiết bị máy móc tại Việt Nam có khả năng phản ứng với thuế quan tốt hơn bằng cách chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc hàng hóa hoàn thiện sang các quốc gia khác.
Nhưng các nhà sản xuất nội địa về dệt may, giày dép và đồ gỗ có thể có ít lựa chọn để chuyển hướng và tìm thị trường tiêu thụ thay thế. Những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào doanh số xuất khẩu sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn, số lượng đơn hàng giảm sút và dòng tiền hoạt động kém hơn.
Trong số các nhà sản xuất dệt may nội địa, Công ty May Sông Hồng có 80% doanh thu xuất khẩu từ thị trường Mỹ, TNG 46%, Tập đoàn Dệt May Việt Nam 35%, Dệt May Thành Công 25%. Savimex, một nhà sản xuất đồ gỗ lớn, có 50% doanh thu từ xuất khẩu là sang thị trường Mỹ.
Cục diện thay đổi, chính sách sẽ thay đổi?
Chia sẻ với Đại Đoàn Kết, chuyên gia về thương mại điện tử Vũ Bảo Thắng cũng nhấn mạnh, dù là con số ám ảnh nhưng cũng cần đặt niềm tin vào cơ quan quản lý. Trong đó, ở bản báo cáo 8 trang mà Mỹ dành cho Việt Nam, Việt Nam đã và đang có những động thái và chính sách để xoa dịu tình hình như tăng nhập khẩu từ Mỹ, điều chỉnh các chính sách cho hàng hóa Mỹ.....
Mức áp dụng 46% là mức cao nhất, tức là có thể sẽ có phân nhóm ngành hàng có mức áp dụng thấp hơn. Và chính sách này theo quan điểm của Tổng thống Mỹ là để đảm bảo tính công bằng, tức là chính sách có tính ngắn hạn. Nếu cục diện thay đổi thì chính sách sẽ thay đổi.
Do vậy, ông Vũ Bảo Thắng đưa ra lời khuyên, với cá nhân cố gắng bình tĩnh trước các thông tin, không hành xử quá vội vàng như bán tháo tài sản, ra quyết định đầu tư nhanh chóng....(vì khi tâm lý hoảng loạn đa phần sẽ dẫn đến các quyết định sai lầm).
Nên học thêm các kiến thức, lĩnh vực mới mang tính toàn cầu và ít phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ như: công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), hoặc dịch vụ số...
Có thể cân nhắc đầu tư tài chính an toàn (đầu tư dài hạn chứ không phải đầu cơ lướt sóng): chia tài chính thành nhiều rổ để phân bổ rủi ro như vàng, BĐS, chứng khoán. Đồng thời tập trung vào các nhóm hướng tới tiêu dùng thiết yếu phục vụ thị trường nội địa...
Tập trung thị trường nội địa và tìm kiếm các cơ hội ở những thị trường thay thế như Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu, Trung Đông.... Hợp tác, liên kết với các đối tác nước ngoài đặc biệt là các nhóm bị áp thuế thấp nhất (10%) để tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu mới.