Một thẩm phán Mỹ đã cho phép tiến hành vụ kiện Facebook liên quan đến bê bối dữ liệu 87 triệu người dùng của mạng xã hội này với đối tác công ty tư vấn chính trị Anh Cambridge Analytica.
(Nguồn: Getty Images).
Ngày 31/5, một thẩm phán Mỹ đã cho phép tiến hành vụ kiện Facebook liên quan đến bê bối dữ liệu 87 triệu người dùng của mạng xã hội này với đối tác công ty tư vấn chính trị Anh Cambridge Analytica.
Vụ kiện được tiến hành theo đơn kiện hồi tháng 12/2018 của Tổng chưởng lý Washington, D.C. Cơ quan tư pháp thành phố thủ đô của Mỹ đã kiện Facebook, cáo buộc mạng xã hội lớn nhất thế giới đã lừa dối người dùng vì hãng này đã biết về vi phạm hai năm trước khi tiết lộ vụ bê bối và đã cho phép các nhà sản xuất ứng dụng bên thứ ba truy cập thông tin người dùng mà không có sự đồng ý của người dùng.
Thẩm phán Fern Flanagan Saddler đã ký lệnh từ chối đơn khiếu nại đòi bãi bỏ vụ kiện của Facebook.
Facebook chưa có bình luận về phán quyết trên.
Cambridge Analytica - được thuê tư vấn chính trị trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của Tổng thống Mỹ Donald Trump - đã sử dụng một bài kiểm tra tính cách được phân phối trên Facebook để thu thập thông tin hồ sơ nhằm dự đoán và gây ảnh hưởng đến hành vi bỏ phiếu của cử tri Mỹ.
Công ty này đã phải đóng cửa sau khi vi phạm được tiết lộ. Một số cuộc điều tra của Mỹ và Liên minh châu Âu nhằm vào Facebook đã xảy ra sau đó.
Tòa án Washington, D.C. có thể áp dụng hình phạt dân sự lên gần 1,7 tỷ USD, nếu phát hiện người dùng Facebook bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối.
Theo dữ liệu nêu trong đơn kiện của cơ quan tư pháp, phần mềm của Cambridge Analytica có dữ liệu của 340.000 cư dân Washington, D.C., mặc dù chỉ có 852 người dùng đã trực tiếp tham gia khảo sát trên phần mềm.
Trong một diễn biến khác liên quan, cùng ngày, một thẩm phán khác đã đứng về phía nhóm cổ đông của Facebook, yêu cầu công ty bàn giao email và hồ sơ liên quan đến việc xử lý vụ bê bối Cambridge Analytica.