Kinh tế

Mỹ công bố áp thuế đối ứng 46 %: Biến khó khăn thành cơ hội

H.Hương – P.Vân 09/04/2025 09:55

Tuyên bố áp thuế lên tới 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ của Tổng thống Donald Trump đặt ra thách thức không nhỏ cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây cũng chính là thời điểm để các doanh nghiệp Việt cơ cấu lại chiến lược và tìm ra những cơ hội mới để bứt phá vươn lên.

anh CV (2)
Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu để thích nghi với thị trường và xu hướng phát triển hiện nay. Ảnh: Quang Vinh

Nguy cơ giảm kim ngạch một số mặt hàng chủ lực

Ông Hoàng Mạnh Cầm - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, nhiều doanh nghiệp (DN) rất bất ngờ về mức thuế đối xứng mà Mỹ đưa ra. “Chúng tôi cũng đã phân tích các tác động, trước tiên là nguồn tiêu thụ, thị trường Mỹ suy giảm nhu cầu, giá tăng cầu tại Mỹ sẽ giảm. Dệt may sẽ là mặt hàng trong rổ hàng hóa chịu tác động mạnh nhất” – ông Cầm nhận định và cho biết, trong ngắn hạn, xuất khẩu hàng dệt may đi Mỹ sẽ giảm và DN kỳ vọng vào đàm phán của Chính phủ hiện nay và những xoay chuyển của các DN trong ngành sẽ giảm thiểu rủi ro. Ông Cầm cũng đưa ra dự báo đơn hàng đi Mỹ sẽ giảm từ quý II/2025. Tuy nhiên, cũng không nên quá bi quan. Thời điểm này, Tập đoàn Dệt may sẽ có sự dịch chuyển về chuỗi cung ứng.

Nêu ví dụ, ông Cầm cho biết, trường hợp 1 cái quần bán giá 50 USD tại Mỹ trong khi giá sản xuất tại Việt Nam khoảng 10 USD. Nếu tăng 5% thuế, giá tăng thêm 5 USD và giá bán cuối cùng tới tay người Mỹ là 55 USD. Vì vâỵ, nhu cầu mua sắm có thể biến động 10-20%.

Trong khi đó, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thông tin, tại Mỹ, việc chế biến, xuất khẩu gỗ chiếm tỷ trọng cao, 38-40% tổng kim ngạch gỗ lên tới 9,4 tỷ USD. Năm 2024, Mỹ là thị trường tiêu thụ 56,4% xuất khẩu gỗ, vì vậy ngay lúc này tìm kiếm thị trường thay thế rất khó.

Ước tính khoảng 4.000 DN vừa và nhỏ có chế biến sản phẩm xuất khẩu, 1 triệu hộ nông dân, toàn bộ chuỗi cung ứng này sẽ bị tác động. Con số thiệt hại từ việc áp thuế đối ứng được lượng hoá cũng rất lớn.

Việt Nam hiện xuất khẩu gỗ tới 161 quốc gia và vùng lãnh thổ, 5 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Thị trường Mỹ dẫn đầu với nhóm đồ nội thất.

Theo ông Hoài, đây là lúc các DN cần phải nỗ lực tìm lối đi mới. Chẳng hạn như lâu nay chúng ta xuất sang Nhật Bản dăm gỗ. Đại sứ Nhật Bản gợi ý nghiên cứu thị hiếu người Nhật có thể xuất khẩu thêm đồ gỗ. Một số DN đã đi vào phân khúc cao hơn.

Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài cho biết, mức thuế 46% mà Mỹ áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ từ ngày 9/4 có thể gây tác động đa chiều đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Điều này tạo ra tác động không tốt đối với hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; ảnh hưởng đến phát triển của một một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút đầu tư vốn nước ngoài (FDI), đầu tư trong nước, cũng như liên quan đến dịch vụ, việc làm của lao động trong nước.

anh thay
Xuất khẩu hàng hóa đối diện nhiều thách thức. Ảnh: Quang Vinh

Ông Hoài phân tích, khi Mỹ tăng thuế, giá cả hàng hoá của Việt Nam tại thị trường này sẽ tăng lên, làm giảm mức độ cạnh tranh của hàng Việt với hàng hóa nước khác, sức mua của người tiêu dùng Hoa Kỳ cũng yếu đi, điều này kéo giảm xuất khẩu hàng hoá của chúng ta sang thị trường này.

“Ở đây cũng liên quan đến đối tác hợp đồng chúng ta đã ký kết, các DN Hoa Kỳ cũng sẽ xem xét với chính sách như thế này có tiếp tục hợp đồng hay không. Các hợp đồng mới sẽ tương đối khó khăn. Chính phủ đang có những giải pháp tích cực để tiếp xúc với phía Mỹ và có giải pháp làm sao hài hòa” – Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết.

Trong khi đó, theo ý kiến từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam sẽ tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu, ảnh hưởng tới nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là các nhóm hàng máy vi tính điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ, 6 nhóm hàng hóa này chiếm tỷ trọng hơn 74% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2024.

Trong đó, với nhóm hàng máy vi tính điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, điện thoại các loại và linh kiện, khối DN FDI chiếm khoảng 93% tổng kim ngạch xuất khẩu, việc áp thuế đối ứng có thể khiến các DN FDI chuyển một phần hoạt động sang các quốc gia khác gây ra những tác động mạnh đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Đối với nhóm hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, các nhà sản xuất khu vực trong nước chiếm tỷ trọng khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng này của Việt Nam. Khi Mỹ áp thuế đối ứng, các nhà sản xuất nội địa sẽ gặp khó khăn trong việc tìm thị trường thay thế, vì vậy kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng này có thể suy giảm do phải đối mặt với chi phí cao hơn, số lượng đơn hàng giảm.

Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực nội tại

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài, trong bối cảnh này, DN cần nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu đảm bảo sự thích nghi với thị trường và xu hướng phát triển. Các cơ quan chức năng cần cảnh báo sớm và xử lý kịp thời với những nguy cơ về các vụ việc phòng vệ thương mại nhằm hạn chế thấp nhất mức thiệt hại đối với DN.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công thương, mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy mở rộng, đa dạng hóa thị trường...

Bộ Công thương nhấn mạnh, Bộ sẽ tiếp tục đồng hành cùng các DN Việt Nam trong nỗ lực xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đồng thời tích cực nghiên cứu mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Theo ông Hoàng Mạnh Cầm - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, trong bối cảnh hiện tại, các DN Việt Nam nói chung và DN dệt may nói riêng phải tự vận động và đưa ra giải pháp cụ thể với khách hàng.

Ngoài ra, Chính phủ và các bộ, ngành cần có giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân nhằm thúc đẩy tiêu thụ trong nước. Nghiên cứu, giảm tiếp mức thuế giá trị gia tăng (VAT) dưới 8% với các DN trong nước hoặc tăng giảm trừ gia cảnh với thuế thu nhập cá nhân của người tiêu dùng; chưa tăng tiền điện và một số chi phí liên đới khác...

ảnh nhỏ bài chính
Dự báo đơn hàng dệt may sang Mỹ sẽ giảm trong quý II/2025. Ảnh: Quang Vinh

Bên cạnh đó, để các DN cần ổn định sản xuất trong bối cảnh hiện tại, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần hỗ trợ DN bằng cách chưa cắt room tín dụng trong năm nay.

Ở một góc độ khác, ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) nhận định, mặc dù mức thuế mới sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu hạt điều sang Mỹ, nhưng đây cũng là cơ hội để ngành điều chuyển hướng sang các thị trường tiềm năng khác như Trung Đông.

Vận dụng đồng bộ nhiều giải pháp

Cũng theo ông Bạch Khánh Nhựt trong giải pháp tình thế, ngoài Mỹ, các DN Việt Nam có thể mở rộng các cơ hội xuất khẩu sang các thị trường khác. Những hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với Liên minh châu Âu (EVFTA), các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (CPTPP) và các quốc gia trong khu vực ASEAN sẽ là những cơ hội quan trọng để DN Việt tiếp cận thị trường quốc tế, giảm thiểu tác động của thuế quan từ Mỹ.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Tất Thịnh thì cho rằng cần nhìn nhận vấn đề thuế quan từ góc độ chiến lược và phát triển dài hạn. Đây là thời điểm Việt Nam cần soi lại chính mình, tận dụng khủng hoảng để cải cách nội tại, tăng giá trị nội địa, mở rộng thị trường nội địa và thay đổi tư duy xuất khẩu.

Giới chuyên gia cho rằng, các hiệp hội có thể tạo ra các mạng lưới kết nối giữa các DN Việt Nam và các đối tác quốc tế, từ đó giúp DN tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường, chia sẻ kinh nghiệm giúp DN nắm bắt kịp thời xu hướng thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh, xây dựng một nền văn hóa hợp tác và chia sẻ lợi ích chung.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực với chính sách thuế đối ứng, Cục Thống kê khuyến nghị cần tập trung thực hiện một số giải pháp: Tăng cường đối thoại song phương với Mỹ để làm rõ các yếu tố lợi ích thương mại song phương giữa hai quốc gia, khẳng định Việt Nam là đối tác thương mại công bằng và đáng tin cậy.

Tiếp tục chủ động, tích cực và dùng nhiều kênh, nhiều biện pháp khác nhau nhằm cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.

Cần cải thiện những yếu tố mà Mỹ cho rằng Việt Nam đang bảo hộ, cạnh tranh không lành mạnh; Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cung cấp thông tin sớm cho DN về thuế đối ứng, giúp DN chuẩn bị dữ liệu và sẵn sàng ứng phó nhằm bảo vệ quyền lợi tại thị trường Mỹ. Từ đó đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động của thuế quan đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu.

Ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính):

Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ sẽ giảm 20-30 %

mr MaiSOn
Ông Mai Sơn.

Các DN trực tiếp xuất khẩu sang Mỹ trong 10 nhóm hàng, các nhóm hàng chủ lực thu về khoảng 77.200 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,8% tổng thu ngân sách.

Khi có thông tin Mỹ sẽ áp thuế 46%, chúng tôi có đánh giá tác động từ các DN trực tiếp xuất khẩu và nhiều bên liên quan và nhận thấy mức thuế này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các địa phương, đặc biệt là khu vực Tây Nam Bộ.

Sản xuất điện tử ảnh hưởng đến các địa phương Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng. Sản xuất máy móc, thiết bị ảnh hưởng đến các địa phương lớn như Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương.

Nông sản bị ảnh hưởng đến các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc... Dệt may bị ảnh hưởng các địa phương như Nam Định, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Nai.

DN FDI chịu tác động lớn hơn DN trong nước. Có DN đã đưa hàng ra cảng để chuẩn bị xuất khẩu mà phải hủy vì chính sách mới.

Theo đánh giá, có 3 tác động khác là người lao động, ngân sách nhà nước, nhập khẩu nguyên vật liệu.

Chính sách thuế mới của Mỹ sẽ khiến tỷ giá VNĐ, USD chịu áp lực cao, có khả năng mất giá. Điều này làm gia tăng chi phí đầu vào, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, khiến các sản phẩm khó cạnh tranh hơn, làm ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, theo đánh giá của một số các tổ chức, chuyên gia quốc tế về mức thuế suất mới này của Mỹ, GDP của Việt Nam sẽ bị giảm khoảng 0,7 - 1,3%. Theo đó, cứ 1% GDP thay đổi tương ứng giảm thu ngân sách thay đổi 1,38%.

Dự báo, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ sẽ giảm 20 - 30% và doanh thu từ hoạt động xuất khẩu giảm 2 - 3%. Chúng tôi đã rà soát tất cả các bên liên quan để đề xuất với Chính phủ chính sách ứng phó. Thời gian tới ngành thuế sẽ tiếp tục có các thông tin đánh giá toàn diện để đảm bảo kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tăng thu ngân sách để phục vụ phát triển đất nước.

T.Hằng (ghi)

Nỗ lực giải quyết các khúc mắc về thuế quan

Tại cuộc làm việc giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các DN, hiệp hội ngành hàng mới đây, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam cho biết, Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu ngành hàng. Một số đối tác nhập khẩu tại Mỹ đã yêu cầu tạm dừng đơn hàng, thậm chí hủy hợp đồng do lo ngại chi phí tăng cao.

Trong trường hợp đàm phán về thuế không đạt được kết quả như kỳ vọng, các DN kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành chính sách hỗ trợ về lãi suất, đặc biệt đối với các DN hồ tiêu – vốn chủ yếu là DN nhỏ. Bên cạnh đó, đề nghị hệ thống ngân hàng thương mại gia hạn thời gian vay vốn, đồng thời áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho các ngành hàng nông sản xuất khẩu.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, nông sản Việt Nam và Mỹ mang tính bổ trợ cho nhau, không cạnh tranh trực tiếp, đồng thời đây là mặt hàng thiết yếu đối với người tiêu dùng Mỹ. Vì vậy, Việt Nam mong muốn Mỹ có cách tiếp cận và ứng xử hợp lý, phù hợp với quan hệ thương mại hai nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ công bố áp thuế đối ứng 46 %: Biến khó khăn thành cơ hội