Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đặt chân tới Moscow trong ngày 14/7 để bắt đầu cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày với người đồng cấp Nga về vấn đề Syria với một động thái dường như thể hiện sự thay đổi nhẹ nhàng trong quan điểm của Washington đối với Nga trong cách giải quyết cuộc nội chiến kéo dài 5 năm ở Syria.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) cùng người đồng cấp Nga Sergei Lavrov sẽ có cuộc thảo luận về tình hình Syria tại Moscow.
Ông John Kerry đã tới Moscow từ Pháp, bắt đầu chuyến công du kéo dài 2 ngày nhằm thảo luận các vấn đề về Syria, Ukraine, cùng nhiều vấn đề khác với giới chức cấp cao Nga - Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 14/7.
Bình luận về mục đích của chuyến đi này, tờ Washington Post đã nói rằng, “đề xuất của Mỹ, chưa từng được công bố, kêu gọi thành lập một Nhóm Thi hành chung với Nga để hai nước có thể chia sẻ thông tin tình báo và thông tin chiến dịch” và đồng bộ hóa các chiến dịch của họ nhằm chống lại tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Kế hoạch của Mỹ nếu được phê chuẩn sẽ cho thấy mối quan hệ hợp tác quân sự sâu sắc một cách bất thường trong bối cảnh hai cường quốc hàng đầu thế giới đang đối đầu với nhau trong hàng loạt vấn đề.
Bản đề xuất phác thảo của Mỹ đối với Nga đã được Washington Post tiết lộ trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Nga. Dựa trên những thông tin bị rò rỉ trên báo chí, đề xuất của phía Mỹ được cho là vượt xa so với những gì Mỹ và Nga thoả thuận gần đây nhằm đảm bảo an toàn cho các chuyến bay của lực lượng chiến đấu cơ hai bên trên chiến trường Syria.
Trước đó, hôm 12/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby từng nói trong một cuộc họp báo rằng quan điểm của Nga và Mỹ về xung đột Syria thực chất “không quá khác biệt”, thêm rằng hai nước vẫn liên lạc với nhau gần như hàng ngày về các diễn biến trên mặt đất.
Giới phân tích Nga cho rằng, các tuyên bố mới đây của Mỹ nên được coi là thông tin “tích cực một cách thận trọng”. Tuy nhiên, bình luận của ông Kirby gần đây đã cho thấy một sự thay đổi nhỏ trong quan điểm của Mỹ về vấn đề xung đột ở Syria.
Moscow từ lâu đã đề nghị liên quân do Mỹ dẫn đầu cùng phối hợp thực hiện chiến dịch chung với Không quân Nga ở Syria. Hồi cuối tháng Năm vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết, Moscow đã đề nghị “cùng lên kế hoạch và phối hợp với Mỹ trong các cuộc không kích nhằm vào Mặt trận Al-Nusra”. Tuy nhiên, Mỹ đã phản ứng một cách lạnh nhạt với đề xuất đó.
Tuy nhiên, lần này, bản phác thảo đề xuất của Mỹ lại nói rằng, “Nga có thể sử dụng không lực để bảo vệ quân của Chính phủ Syria trong trường hợp lực lượng này bị Mặt trận Al-Nusra - một tổ chức phiến quân, khủng bố ở Syria - tấn công với điều kiện thoả thuận trước với Mỹ”.
Các động thái trên của Mỹ dường như đã đi ngược lại chính sách “răn đe” mà họ từng tuyên bố nhằm vào Nga. Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vừa diễn ra ở Ba Lan hồi tuần trước, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã nhất trí với nhau về chính sách đối phó với một nước Nga mà họ miêu tả là “đang nổi dậy” bằng cách triển khai các lực lượng và phương tiện chiến đấu đến khu vực Đông Âu.
Ở Địa Trung Hải, Mỹ gần đây vẫn duy trì hai nhóm tàu sân bay tấn công nhằm “phát đi thông điệp” với Hải quân Nga - lực lượng đang có mặt tại đó để phục vụ cho chiến dịch chống tổ chức khủng bố IS của Moscow.
Andranik Migranyan, chuyên gia phân tích chính trị thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Moscow, nhận định: “Thực tế trong những năm qua, không phải quan điểm của Nga đối với Mỹ thay đổi, mà chính quan điểm của Mỹ đối với Nga đã thay đổi. Bởi vậy mà chúng tôi cần phải tiếp nhận những động thái mới này với sự thận trọng”.
Mỹ và các đồng minh thời gian qua luôn công khai yêu cầu xóa bỏ chế độ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria và coi đó là điều kiện tiên quyết để tiếp tục đàm phán, đưa ra lệnh ngừng bắn, chuyển tiếp chính trị ở nước này. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, họ đã bắt đầu bỏ qua những yêu cầu này. Dù vậy, nguồn tin cho hay, Moscow đang tiếp nhận thông điệp trên một cách thận trọng.