Năm 2018 sẽ triển khai chương trình sách giáo khoa mới

Thu Hương 27/03/2017 08:10

Trong chương trình GD phổ thông mới, bậc THPT sẽ thay đổi nhiều nhất, theo hướng phân hóa, tiếp cận nghề nghiệp tương lai. Thay vì học tất cả các môn như hiện nay, học sinh sẽ chỉ học 4-5 môn bắt buộc, học sinh sẽ chọn khoảng 4-5 môn học khác phù hợp với sở trường, định hướng nghề nghiệp tương lai.

GS Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại cuộc họp báo (Ảnh: báo Lạng Sơn).

Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ Quý I năm 2017 do Bộ GD-ĐT tổ chức cuối tuần qua, GS Nguyễn Minh Thuyết đã cho biết tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo đó, ngày 24/1, ban soạn thảo đã hoàn thành khung chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để chuyển đến hội đồng thẩm định quốc gia. Sau đó, 20 đến 24/2, hội đồng thẩm định đã họp biểu quyết thông qua Dự thảo. Kết quả 42% ủng hộ thông qua chương trình không cần sửa chữa, 58% ủng hộ thông qua chương trình nhưng có sửa chữa.

Ngày 14/3, bản thảo cuối cùng được chuyển sang Vụ pháp chế để thẩm định cho ý kiến trả lời các vấn đề liên quan đến các quy định của pháp luật. Sau đó xin ý kiến Bộ trưởng phê duyệt để công bố rộng rãi trong toàn dân vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 này.

Trả lời câu hỏi liệu mốc Nghị quyết 88/2014/QH13 năm 2014 của Quốc hội đưa ra là năm 2018-2019 có thể triển khai được chương trình hay không? GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định có thể thực hiện được vì nhóm đang phấn đấu đến tháng 9/2017 này chương trình có thể được phê duyệt.

“Làm sao phải đảm bảo điều kiện tối thiểu về giáo viên, cơ sở vật chất để thực hiện được chương trình mới này. Điều quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng, nếu thấy đảm bảo chất lượng thì thực hiện, còn thấy có những điều cần củng cố thêm thì không vội vàng thực hiện” – GS Thuyết nhấn mạnh.

Để chuẩn bị về điều kiện giáo viên - yếu tố quyết định để đảm bảo chương trình mới được thực hiện thành công, Bộ GD-ĐT đã có hẳn một dự án ETEP về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Các trường sư phạm cũng đã khởi động đổi mới chương trình đào tạo sư phạm phục vụ cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Những người ở Ban phát triển chương trình sẽ phải viết tài liệu bồi dưỡng giáo viên…

Về điều kiện vật chất của các nhà trường, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, điều này cũng có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, nhưng trách nhiệm chính vẫn là của địa phương. Đặc biệt, về vấn đề thời lượng học trên lớp của học sinh phổ thông vẫn chưa đảm bảo 2 buổi/ngày ở tất cả các địa phương do còn thiếu lớp học, GS Thuyết cho rằng cần phải sớm khắc phục.

“Chúng tôi kiến nghị Bộ GD-ĐT, Chính phủ sau khi chương trình thông qua, ngay trong quá trình chuẩn bị sách giáo khoa mới, phải làm việc với lãnh đạo các địa phương để giải quyết vấn đề này. Nếu không thực sự quan tâm đến cơ sở vật chất, rất khó để thực hiện thành công chương trình mới” – GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.

Liên quan đến nội dung các môn học trong chương trình mới, GS Thuyết khẳng định Ban soạn thảo có kế thừa những ưu điểm của chương trình hiện hành. Một trong những điểm nổi bật của dự thảo chương trình chính là việc chia thành giai đoạn dự hướng, giúp học sinh có được sự chuẩn bị nhất định để chọn hướng nghề nghiệp (lớp 10) và giai đoạn giáo dục định hướng nghiệp (lớp 11, 12).

Tuy nhiên, ngay cả định hướng phát triển năng lực đã có từ chương trình hiện hành, chỉ có điều những người thực hiện chưa thể hiện được tinh thần của chương trình.

Theo GS Thuyết: Lần này, cố gắng có cách làm mới để thể hiện được yêu cầu của chương trình. Sẽ có 2 phương pháp được áp dụng. Thứ nhất là phương pháp sơ đồ ngược.

Theo đó, đầu tiên phải xác định được nhu cầu đào tạo nhân lực của đất nước, mục tiêu giáo dục phổ thông; từ mục tiêu giáo dục phổ thông, phải xác định được những yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực cho học sinh; trên cơ sở yêu cầu cần đạt ấy, xác định nội dung cần dạy học, sau đó xác định phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá.

Thứ hai, ban phát triển chương trình coi chương trình giáo dục phổ thông là một chính sách và chương trình phải được xây dựng theo đúng quy trình ban hành chính sách.

Dự kiến, chương trình Giáo dục phổ thông sau khi được duyệt sẽ triển khai vào năm học 2018-2019 theo hình thức cuốn chiếu. Có thể thực hiện trước ở lớp 1 hoặc đồng thời ở các lớp đầu cấp trong cả ba cấp tiểu học, THCS, THPT.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năm 2018 sẽ triển khai chương trình sách giáo khoa mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO