Tỉnh Nam Định chủ động đăng ký và được Bộ Công an phê duyệt, lựa chọn làm địa phương chỉ đạo thực hiện điểm mô hình “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy”.
Ngày 12/4, thông tin tại hội nghị quán triệt, triển khai chỉ thị, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định về xây dựng mô hình “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy”, do UBND tỉnh Nam Định tổ chức cho biết, từ sự chủ động đăng ký của địa phương, ngày 26/1, Bộ Công an đã phê duyệt, chọn Nam Định là tỉnh triển khai điểm mô hình “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy”.
Sau khi được Bộ Công an lựa chọn, ngày 10/4 mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành chỉ thị riêng để chỉ đạo thực hiện mô hình này trên địa bàn tỉnh.
Trong chỉ thị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định nhìn nhận, bên cạnh những mặt tích cực, công tác phòng cháy chữa cháy-cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) ở tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ PCCC-CNCH của một số cấp ủy, đơn vị, địa phương còn chậm; lực lượng PCCC-CNCH tại chỗ của một số địa phương, cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu; đầu tư cho công tác PCCC-CNCH từ nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế; còn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ tại một số loại hình cơ sở, địa bàn trọng điểm đó là các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, chợ, nhà tập thể, chung cư cũ, cơ sở kinh doanh, sản xuất đồ gỗ, dệt, may...
Để nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến trong công tác trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung xây dựng mô hình “Tỉnh an toàn PCCC”; tạo sự thống nhất, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và người dân; trong đó, lực lượng Công an là nòng cốt, thường trực tham mưu triển khai thực hiện.
Tỉnh đặt ra mục tiêu: phấn đấu xây dựng 10/10 huyện, thành phố; 100% xã, phường, thị trấn; 100% tổ dân phố, thôn, xóm; khu dân cư; khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở và hộ gia đình an toàn PCCC.
100% nhà ở các hộ gia đình được kiểm tra, tự trang bị các thiết bị điện, phương tiện chữa cháy đảm bảo tiêu chuẩn an toàn PCCC.
Làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy; mỗi người dân là một tuyên truyền viên trong công tác PCCC-CNCH; mỗi gia đình, mỗi cơ sở là một “pháo đài” trên mặt trận PCCC.
Cơ quan lãnh đạo ở Nam Định yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác PCCC-CNCH ở địa phương, đơn vị; xác định PCCC-CNCH là một nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
“Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp... phải chịu trách nhiệm trước hết về bảo đảm an toàn, cháy nổ và CNCH trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình”, theo chỉ thị.
Các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định về PCCC-CNCH theo chức năng, nhiệm vụ và phân cấp quản lý. Tăng cường công tác tự kiểm tra, tự giám sát; đồng thời, phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể và nhân dân trong công tác PCCC-CNCH.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tổ chức phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm, quyết tâm chính trị cao trong xây dựng mô hình "Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy"; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC-CNCH; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác PCCC-CNCH…
Thực hiện chỉ thị trên, mới đây UBND tỉnh Nam Định đã xây dựng, ban hành kế hoạch xây dựng mô hình “Tỉnh an toàn PCCC”.
Chiều 12/4, tại hội nghị triển khai chỉ thị, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định về xây dựng mô hình “Tỉnh an toàn PCCC”, Đại tá Phan Thị Loan, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã phổ biến nội dung chỉ thị, kế hoạch của UBND tỉnh; nêu rõ các tiêu chí để đạt “Tỉnh an toàn PCCC”; giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, tới tận các khu dân cư với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả”. Trong đó, Công an tỉnh với vai trò nòng cốt, cơ quan thường trực sẽ chủ động hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm, hiệu quả các tiêu chí “Tỉnh an toàn PCCC”.
Chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị nhìn nhận xây dựng “Tỉnh an toàn PCCC” là trách nhiệm của các ngành, các cấp chính quyền và Nhân dân trong tỉnh; là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục, không phải chỉ trong năm 2024; yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp... trong tỉnh phải chịu trách nhiệm trước hết về bảo đảm an toàn cháy, nổ và CNCH trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình.