Ngoài việc đến trực tiếp cơ quan công quyền hoặc đến bộ phận một cửa, các cá nhân, tổ chức ở Nam Định có thêm lựa chọn: gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết từ chính quyền qua đường bưu điện...
Đại diện UBND tỉnh Nam Định, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác.
Chiều 2/8, UBND tỉnh Nam Định và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận hợp tác triển khai Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích.
Thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên có 3 nội dung chính gồm: hợp tác cung ứng dịch vụ bưu chính chuyển phát và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả dịch vụ công trực tuyến qua dịch vụ bưu chính công ích; hợp tác trong lĩnh vực cung ứng các dịch vụ tài chính bưu chính; hợp tác trong lĩnh vực cung ứng các dịch vụ phân phối-truyền thông.
Theo đó, với nội dung hợp tác thứ nhất, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam sẽ hỗ trợ tỉnh Nam Định trong việc cung cấp các dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC của tỉnh qua dịch vụ bưu chính công ích theo quy định hiện hành.
Trong khi đó, các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp ở Nam Định sẽ thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết các TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích theo danh mục các TTHC không được và được thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích.
Với thỏa thuận này, tới đây, ngoài việc đến trực tiếp cơ quan công quyền hoặc qua bộ phận một cửa, đối với các thủ tục được phép các cá nhân, tổ chức ở Nam Định có thể lựa chọn hình thức gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết từ chính quyền qua đường bưu điện...
Trước đó,vào ngày 7/7/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã có quyết định công bố danh mục các TTHC không được và được thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích.
Với nội dung hợp tác thứ hai, doanh nghiệp và chính quyền tỉnh phối hợp thực hiện việc chi trả các chế độ lương hưu, bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội; chế độ cho người có công, các dịch vụ thanh toán (thu, chi) giữa các cơ quan, tổ chức với người dân; thu thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh, các dịch vụ chuyển tiền, thu hộ, chi hộ...
Với nội dung hợp tác thứ 3, hai bên sẽ phối hợp xây dựng đề án, dự án phát triển các điểm phục vụ bưu chính, góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Dịp này, các sở liên quan của tỉnh Nam Định, TP Nam Định và Bưu điện tỉnh cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện các nội dung UBND tỉnh và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã ký kết thỏa thuận.
Phát biểu tại lễ ký, đại diện Bộ Thông tin-truyền thông; đại diện UBND tỉnh Nam Định, đại diện Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đều nhấn mạnh đến vai trò, ý nghĩa thiết thực của Quyết định số 45 của Chính phủ, việc triển khai thực hiện Quyết định có tác động rất lớn đến tiến trình cải cách thủ tục hành chính; giúp đơn giản hóa việc giao dịch giữa người dân và chính quyền, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả hai bên, tiết kiệm chi phí xã hội...
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hiện người dân vẫn có tâm lý sợ khi gửi hồ sơ qua đường bưu điện sẽ không được cán bộ, nhân viên ở các cơ quan công quyền giải quyết kịp thời, có thể bị gây khó dễ so với đến gặp trực tiếp.
Từ đó, các ý kiến đề nghị các bên liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để người dân thấy được lợi ích của dịch vụ mới này.
Đồng thời phải công khai, phổ biến rộng rãi hơn nữa danh mục các TTHC không được được thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích.
Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại buổi lễ.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết, vào tháng 9 tới Bộ này và Bộ Tài chính sẽ phối hợp ban hành thông tư liên tịch quy định về các mức cước khi sử dụng dịch vụ bưu chính chuyển phát và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC. Hiện giá cước đang được áp dụng theo giá do Tổng Công ty Bưu điện quy định.
Cho rằng lợi ích của việc thực hiện việc tiếp nhận, trả hồ sơ giải quyết TTHC qua bưu điện là rất lớn, hiển nhiên đối với cả người dân và chính quyền, ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nêu ví dụ: “Lãnh đạo chúng tôi luôn muốn biết công việc đang chạy đến đâu? Sợ nhất là cá nhân hay tổ chức bảo tôi đã gửi hồ sơ rồi, anh ký cho tôi đi, đến khi hỏi văn thư, văn phòng lại bảo chưa nhận được, nghĩa là chối rất là dễ. Với việc áp dụng dịch vụ mới này, chúng ta sẽ có bằng chứng về việc hồ sơ đã đến hay chưa. Tôi biết có người vui và sẽ có người không vui về việc này nhưng vì lợi ích chung, chúng ta không thể trì hoãn được nữa”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Bạch Ngọc Chiến: “Dịch vụ mới mang lại lợi ích rất lớn cho người dân và chính quyền, không thể trì hoãn”.
Từ đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu tất cả các đơn vị trong tỉnh thực hiện nghiêm túc thỏa thuận hợp tác hôm nay UBND tỉnh ký kết.
Theo đại diện Bộ Thông tin-Truyền thông, đến nay cả nước đã có 13/22 bộ, cơ quan ngang bộ; 48/63 tỉnh, thành đã công bố danh mục các TTHC không được và được thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích.