Thông tin từ Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội, ngôi trường này sẽ đưa môn golf vào giảng dạy cho sinh viên bắt đầu từ năm học 2021 - 2022. Đây sẽ là môn học sinh viên có thể lựa chọn tương tự như các môn bóng đá, bơi lội, cầu lông, bóng bàn…
Đại diện ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết việc đưa golf vào học đường giảng dạy được coi là bước đi mới. Đồng thời kế hoạch này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ về việc tạo điều kiện cho các sân Golf phát triển và đề cao thu hút du lịch golf, cơ chế chính sách mở đường cho ngành công nghiệp Golf Việt Nam phát triển thuận lợi.
Được biết, ở phía Nam và nhiều trường đại học tư thục đã đưa môn thể thao golf vào giảng dạy như trường đại học Quốc tế Hồng Bàng, trường đại học Tôn Đức Thắng… Tuy nhiên Đại học Quốc gia Hà Nội - trường đại học công lập đầu tiên triển khai kế hoạch này.
Theo kế hoạch ban đầu, giảng viên tại Trung tâm giáo dục thể chất, Đại học Quốc Gia Hà Nội sẽ được đào tạo bài bản để sẵn sàng giảng dạy cho sinh viên. Ước tính một vòng sân golf tiêu chuẩn có độ dài trung bình là 6 - 12 km và một Golfer sẽ phải thực hiện 11.245 đến 16.667 bước chân để hoàn thành.
Ông Nguyễn Việt Hòa, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thể chất và Thể thao, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Việc tiếp cận môn thể thao cao cấp này ngay khi ngồi trên ghế nhà trường sẽ giúp sinh viên tự tin hơn, bởi golf là một môn thể thao đặc thù. Nếu như các môn thể thao khác thi đấu cần có sự ganh đua lẫn nhau, thì môn golf chủ yếu tính điểm so với bản thân. Do đó, môn học này cũng xây dựng cho người học sự vượt lên chính mình.
Mặt khác, môn golf cũng sẽ là phương tiện hữu ích cho tương lai, giúp sinh viên có thể giao tiếp và mở rộng các mối quan hệ xã hội”.
Là đơn vị công lập đầu tiên đưa môn golf vào trong giảng dạy, ông Hòa cho biết nhà trường cũng gặp phải những khó khăn nhất định về cơ sở vật chất, điều kiện sân bãi, giáo viên, song hơn hết nhà trường sẽ nỗ lực hết sức để đáp ứng nhu cầu của sinh viên.
Kế hoạch xét tuyển năm học 2021-2022
Năm học 2021- 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh 11.250 chỉ tiêu, với 132 ngành/chương trình đào tạo (chuẩn, chất lượng cao, tài năng, tiên tiến) thuộc các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội và nhân văn, Công nghệ - Kỹ thuật, Kinh tế - Luật, Y - Dược, Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên với nhiều phương thức xét tuyển.
Theo đó, xét tuyển đợt 1 của trường theo 3 phương thức:
Xét tuyển các thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2021 và các chứng chỉ quốc tế (SAT, A-Level, ACT, IELTS và chứng chỉ quốc tế tương đương - có trong danh mục quy định của ĐH Quốc gia Hà Nội);
Xét hồ sơ năng lực (kết quả học tập bậc THPT, phỏng vấn, điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 hoặc thí sinh có bằng tú tài quốc tế) đối với một số đơn vị đào tạo có hợp tác quốc tế và chương trình dạy bằng tiếng Anh.