Năm học 2021-2022, ngành giáo dục xác định năm học này sẽ cần nhiều giải pháp linh hoạt ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Cùng với đó vẫn phải đảm bảo để triển khai chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới đạt được hiệu quả cao.
Trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học 2021-2022 vừa ban hành, Bộ GDĐT yêu cầu cần quan tâm đặc biệt tới học sinh (HS) lớp 1, lớp 2 (chương trình GDPT 2018) khi dạy - học trực tuyến.
Về đánh giá HS, Bộ GDĐT yêu cầu đối với các em lớp 3, lớp 4, lớp 5 thực hiện Chương trình GDPT 2006, tiếp tục được đánh giá theo quy định tại Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 và Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/9/2016 của Bộ GDĐT. Còn đối với HS lớp 1, lớp 2 thực hiện Chương trình GDPT 2018, được đánh giá theo quy định tại Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT ngày 4/9/2020 của Bộ GDĐT.
Cùng với đó, Bộ yêu cầu thực hiện nghiêm túc bàn giao kết quả giáo dục cuối năm học, phù hợp với từng nhóm đối tượng, kiên quyết không để HS “ngồi nhầm lớp”; thực hiện khen thưởng HS thực chất, đúng quy định, tránh tùy tiện, máy móc, khen tràn lan gây bức xúc cho cha mẹ HS và dư luận xã hội.
Về việc dạy - học tiếng Anh ở bậc tiểu học, Bộ GDĐT yêu cầu: Triển khai Chương trình môn Tiếng Anh tự chọn lớp 1, lớp 2 đảm bảo các yêu cầu được quy định trong Chương trình GDPT 2018 và Công văn số 681/BGDĐT-GDTH ngày 4/3/2020 của Bộ GDĐT. Tiếp tục triển khai Chương trình Tiếng Anh tự chọn theo Chương trình GDPT 2006 và Chương trình thí điểm Tiếng Anh cấp Tiểu học đối với HS lớp 3, lớp 4 và lớp 5; tăng cường tổ chức dạy Tiếng Anh 4 tiết/tuần cho HS lớp 3, lớp 4, lớp 5 (đặc biệt ở lớp 5), khi thực hiện cần có những giải pháp tiếp cận Chương trình môn Tiếng Anh theo Chương trình GDPT 2018 một cách linh hoạt, phù hợp để tạo tâm thế sẵn sàng cho HS học lên lớp 6 theo chương trình mới…
Bộ GDĐT yêu cầu các địa phương: Thực hiện các giải pháp để chuẩn bị đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ dạy tiểu học bắt đầu từ năm học 2022-2023: rà soát số lượng giáo viên hiện có, xác định số lượng giáo viên cần để thực hiện việc giảng dạy Chương trình GDPT 2018 môn Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học; xác định lộ trình cụ thể để bố trí đủ giáo viên;…
Với các cấp học nói chung, Bộ GDĐT cũng đang đề xuất bổ sung gần 95.000 biên chế giáo viên. Đây là đề xuất trong vòng 5 năm tới. Bộ cho biết, năm học 2020-2021 đã hướng dẫn các địa phương trong việc rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên hợp lý, hiệu quả; đồng thời có giải pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng và bố trí đủ giáo viên dạy đúng và đủ các môn học, thực hiện điều tiết từ nơi thừa sang nơi thiếu.
Hiện, cả nước còn thiếu 94.714 giáo viên, song cũng thừa đến 10.178 giáo viên ở các cấp học. Căn cứ số thừa, thiếu giáo viên trên cả nước, Bộ GDĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021-2025.