Kinh tế

Nan giải bài toán cung - cầu xi măng

Nam Anh 27/03/2025 08:45

Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, hiện với 92 dây chuyền sản xuất xi măng trên cả nước, mỗi năm có khoảng 122 triệu tấn xi măng ra lò. Nhưng trong năm 2024, tổng sản lượng xi măng và clanhke tiêu thụ chỉ khoảng 95 triệu tấn, tương đương 77% tổng công suất dây chuyền thiết kế dẫn đến dư thừa nguồn cung.

Đây là bài toán nan giải chưa thể giải quyết của ngành xi măng Việt Nam, khi để mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng.

Năm 2025, xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam được dự báo tăng trưởng chậm có thể duy trì ở mức tương đương so với năm 2024. Cụ thể, 2 tháng đầu năm nay, toàn ngành xuất khẩu hơn 2 triệu tấn, trị giá 76 triệu USD, giảm lần lượt 36,7% về lượng và giảm 36% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.

duoi.jpeg
Nhiều doanh nghiệp xi măng đang đối diện khó khăn.

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành năm 2025 khoảng 95 - 100 triệu tấn, tăng 2- 3% so với năm 2024. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 60 - 65 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 30 - 35 triệu tấn. Bộ Xây dựng cho biết hiện nay, các dây chuyền sản xuất xi măng chỉ hoạt động trung bình khoảng 77% tổng công suất thiết kế. Có 34 dây chuyền phải dừng hoạt động sản xuất từ 1 - 6 tháng, trong đó một số dây chuyền phải dừng cả năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng thua lỗ...

Lý giải về thực trạng nêu trên, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, từ năm 2011, việc đầu tư sản xuất xi măng thực hiện theo quy hoạch về phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2020 và định hướng 2030 tại Quyết định số 1488 của Thủ tướng. Năm 2015 tiêu thụ 72,7 triệu tấn, bằng 98% so với quy hoạch; năm 2020 tiêu thụ 100,2 triệu tấn/năm, bằng 107% so với quy hoạch. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, nguồn cung xi măng tăng lên do Luật Quy hoạch 2017 bãi bỏ quyết định số 148. Việc đầu tư các dây chuyền xi măng theo cơ chế thị trường và được thực hiện theo pháp luật về đầu tư, thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh. Do đó, các địa phương đã chấp thuận chủ trương đầu tư 13 dây chuyền công nghệ hiện đại với tổng công suất thiết kế 35,3 triệu tấn mỗi năm.

Theo ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, để khắc phục thực trạng chênh lệch cung cầu, cần có giải pháp mang tính dài hạn, cụ thể là cần dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng với tầm nhìn 10 năm, 20 năm, để từ đó làm căn cứ xác định quy mô sản xuất, giúp cân đối phù hợp giữa cung và cầu. Trong chiến lược dài hạn, ngành xi măng vẫn tập trung vào tiêu thụ trong nước.

Để kích cầu, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cùng một số hội, hiệp hội ngành nghề đã kiến nghị Chính phủ có biện pháp thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng thông qua phát triển nhà ở, kết cấu hạ tầng, đường giao thông và ứng dụng các giải pháp công nghệ mới. Việc tăng cường sử dụng xi măng trong xây dựng không chỉ giúp nâng cao chất lượng và tuổi thọ công trình mà còn hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Chia sẻ dưới góc độ doanh nghiệp, lãnh đạo Công ty CP Xi măng Tân Quang cho biết, trong bối cảnh dư thừa xi măng so với nhu cầu, nên áp dụng biện pháp chỉ cho phép các nhà máy hoạt động một phần công suất nhất định theo tính toán và quản lý việc đó bằng điện năng cung cấp, phạt hành chính để giảm nguồn cung và giữ giá sản phẩm...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nan giải bài toán cung - cầu xi măng