Anh và EU đã chính thức đường ai nấy đi từ ngày 1/1/2021, nhưng vẫn còn đó những ràng buộc khó gỡ, buộc hai bên phải ngồi vào bàn đàm phán không ít lần. Trong đó, Bắc Ireland là chủ đề gai góc nhất trong tiến trình Brexit bởi cho đến nay, việc tuân thủ Nghị định thư Bắc Ireland đang trở nên khó khăn đối với các bên.
Đề nghị thỏa thuận lại
Bắc Ireland có đường biên giới dài 500 km với Cộng hòa Ireland và là biên giới trên đất liền duy nhất của Anh với EU. Từ ngày 1/1/2021, Anh không còn ràng buộc về tư cách thành viên với EU, tuy nhiên để tránh thiết lập “biên giới cứng” trên đảo Ireland, Anh và EU nhất trí để Bắc Ireland tiếp tục tuân thủ các quy định của thị trường chung và liên minh thuế quan của EU.
Nghị định thư Bắc Ireland là một phần của thỏa thuận Brexit mà Anh và EU đạt được vào năm 2020. Theo Nghị định này, EU cử nhân viên hải quan tới vùng Bắc Ireland, thực hiện kiểm tra hàng hóa qua lại các cảng giữa vùng này với phần còn lại của Anh, nhằm bảo đảm hàng hóa vào Bắc Ireland phù hợp tiêu chuẩn của EU trong trường hợp những hàng hóa này tiếp tục được đưa tới thị trường chung châu Âu.
Tuy nhiên, ngày 22/7, Chính phủ Anh đã đề nghị Liên minh châu Âu (EU) đàm phán lại các điều khoản thương mại hậu Brexit dành riêng cho vùng Bắc Ireland. Đề nghị được đưa ra trong bối cảnh vùng lãnh thổ này rơi vào tình trạng hỗn loạn do bạo động và gián đoạn thương mại sau thời gian áp dụng Nghị định thư Bắc Ireland.
Một số công ty của Anh quá chán nản với những thủ tục phát sinh đã tạm dừng hoặc giảm quy mô hoạt động thương mại với vùng Bắc Ireland. Chuỗi siêu thị bán lẻ Marks and Spencer tại Bắc Ireland cảnh báo nếu tình trạng gián đoạn hiện tại tiếp diễn thì đến Giáng sinh 2021, các cửa hàng của chuỗi sẽ không có hàng để bán khi nhu cầu mua sắm dịp cuối năm tăng cao.
Phát biểu trước Quốc hội Anh ngày 22/7, Bộ trưởng David Frost phụ trách Brexit dẫn Điều khoản số 16 của Nghị định thư này nêu rõ một trong hai bên có thể đơn phương hành động để bỏ qua các điều khoản nếu nhận thấy thỏa thuận gây tác động tiêu cực chưa được tính đến, đồng thời khẳng định tình hình hiện tại cho phép Anh kích hoạt điều khoản này.
Tuy nhiên, London không muốn thực hiện biện pháp này vì nhận thấy có cơ hội để xử lý vấn đề theo cách khác, là tìm tiếng nói chung với EU thông qua đàm phán để tìm ra một trạng thái cân bằng mới cho các thỏa thuận áp dụng tại vùng Bắc Ireland, có lợi cho tất cả.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Jonson cũng cho biết, Anh mong muốn EU dành thời gian xem xét đề xuất của London về việc thay đổi một phần thỏa thuận Brexit có liên quan tới vùng Bắc Ireland. Anh đã nhiều lần lên tiếng về việc cách hai bên triển khai nghị định thư hiện nay là không thể chấp nhận được và đây là vấn đề cần phải được tháo gỡ khẩn cấp.
Trong các đề xuất mới, Anh kêu gọi EU dừng các hoạt động kiểm tra hải quan trên diện rộng và tập trung hơn vào những mặt hàng sau khi đến Bắc Ireland sẽ có khả năng cao hơn sẽ được đưa sang thị trường chung châu Âu.
Còn những mặt hàng khác, Chính phủ Anh mong muốn sẽ chỉ phải kiểm duyệt sơ bộ để tránh làm tổn hại tới thị trường Anh thống nhất bao gồm cả vùng Bắc Ireland.
Lời từ chối cứng rắn
Ngày 22/7, đáp lại đề nghị của Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU khẳng định khối này sẽ tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để tháo gỡ những khó khăn phát sinh khi triển khai áp dụng Nghị định thư Bắc Ireland, nhưng sẽ không đàm phán lại thỏa thuận này như đề nghị mà Anh mới đưa ra.
Ông Sefcovic tái khẳng định, Nghị định thư là một giải pháp chung mà EU và Anh đã đồng thuận và đã được Quốc hội Anh phê chuẩn, để tháo gỡ những thách thức chưa từng có mà tiến trình Brexit gây ra cho toàn bộ đảo Ireland.
Phó Chủ tịch EC cũng nhắc lại, mục đích của Nghị định thư này là bảo vệ hòa bình tại vùng Bắc Ireland và tránh thiết lập biên giới cứng giữa vùng này và Cộng hòa Ireland, đồng thời đảm bảo không tạo ra “cửa sau” cho hàng hóa không đảm bảo quy định thâm nhập thị trường chung châu Âu. Vì vậy, để thực hiện được các mục tiêu trên, nghị định thư phải được triển khai, trong đó việc tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế là điều tối quan trọng.
Ông Sefcovic cũng nhắc lại rằng, hồi cuối tháng 6, EU đã đưa ra một gói các biện pháp để tháo gỡ một số vấn đề gây áp lực cho hoạt động thương mại từ lục địa Anh tới Bắc Ireland (EU chấp thuận tạm gia hạn 3 tháng thời gian miễn kiểm tra hải quan đối với các sản phẩm thịt chế biến và đông lạnh của Anh vào Bắc Ireland).
Trong những tháng tới, việc hai bên cùng đưa ra hành động chung trong cơ chế tham vấn chung giữa các cơ quan hữu quan hai bên sẽ đóng vai trò quan trọng. Anh và EU cần ưu tiên đảm bảo ổn định và khả năng lường trước các tình huống tại vùng Bắc Ireland.
Trong phản ứng đầu tiên từ phía Cộng hòa Ireland, ông Thomas Byrne, một quan chức phụ trách các vấn đề EU trong Chính phủ cũng khẳng định, nước này sẵn sàng linh hoạt và sáng tạo trong áp dụng nghị định thư Bắc Ireland nhưng duy trì quan điểm là không đàm phán lại nội dung Nghị định thư này.
Trong khi đó, Thủ hiến vùng Bắc Ireland Brandon Lewis cho biết, thay vì tiếp tục đề nghị gia hạn thời gian miễn kiểm tra hải quan, Chính phủ Anh muốn tạm dừng áp dụng Nghị định thư.
Ông Lewis hối thúc thực hiện tiến trình đối thoại mới để tháo gỡ các vấn đề phát sinh; nhấn mạnh, Anh kêu gọi EU thay đổi cách nhìn nhận vấn đề và phối hợp với Anh để nắm bắt cơ hội, cải thiện nền móng cho quan hệ song phương.
Anh và EU phát sinh mâu thuẫn, khi London tuyên bố gia hạn thời gian miễn kiểm tra đối với một số mặt hàng thiết yếu, nhưng EU bác bỏ và dọa kiện Anh vì hành động đơn phương, vi phạm “thỏa thuận rút lui”. Phía Anh khẳng định không có lựa chọn khác, bởi việc kiểm soát của EU gây cản trở nguồn cung hàng hóa cho người dân Bắc Ireland. Tranh cãi tạm lắng sau khi hôm 30/6, EU chấp thuận tạm gia hạn 3 tháng thời gian miễn kiểm tra hải quan đối với các sản phẩm thịt chế biến và đông lạnh của Anh vào Bắc Ireland.