Sáng 19/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 toàn ngành Giáo dục. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội và 63 điểm cầu tỉnh/thành phố. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Vẫn “khát” giáo viên
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng nêu một số kết quả nổi bật năm học 2023 - 2024. Theo đó, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ, đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 trên phạm vi cả nước.
Việc tổ chức biên soạn, thẩm định sách giáo khoa được triển khai theo đúng lộ trình, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Đặc biệt, ghi nhận sự cố gắng giảm giá thành sách giáo khoa từ năm học 2024 - 2025 giúp giảm gánh nặng cho xã hội, nhất là đối với phụ huynh, các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên.
Bộ GDĐT đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất.
Năm học 2023 - 2024, Bộ GDĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ bổ sung 27.826 biên chế, trên cơ sở đó, các địa phương đã tổ chức tuyển dụng được 19.474 giáo viên. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng chỉ ra tình trạng thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại hầu hết các địa phương. Việc tuyển dụng giáo viên của các địa phương còn chậm, chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao, ảnh hưởng đến việc bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là yêu cầu bố trí đủ giáo viên các môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Điều kiện làm việc, chính sách đãi ngộ nhà giáo chưa tương xứng, lương nhà giáo trẻ còn thấp so với mặt bằng chung của các ngành nghề...
Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có nơi phân bổ chưa hợp lý, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi. Việc dồn dịch các điểm trường lẻ còn gặp nhiều hạn chế.
Từ địa phương, ông Vừ A Bằng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nêu những khó khăn về đội ngũ giáo viên còn thiếu khá nhiều so với định mức quy định; thiếu nguồn tuyển giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Đội ngũ có biến động khá lớn sau mỗi khi kết thúc năm học do chuyển công tác về miền xuôi.
“Thiếu giáo viên gây áp lực khá lớn đối với các thầy cô do phải dạy tăng giờ, dạy liên cấp, liên trường” - ông Vừ A Bằng cho hay. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trường lớp học tuy đã được ưu tiên đầu tư nhưng còn thiếu khá nhiều, nhất là nhà ở cho học sinh bán trú, nhà công vụ cho giáo viên; một số phòng học đã xuống cấp cần được thay thế. Chế độ chính sách dành cho học sinh, sinh viên và cán bộ, giáo viên, nhân viên còn nhiều bất cập. Đời sống của đa số cán bộ, giáo viên, nhân viên còn khó khăn.
Vì vậy, ông Bằng nêu kiến nghị không thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn, không có khả năng thành lập các trường ngoài công lập như tỉnh Điện Biên và bố trí đủ giáo viên hưởng lương từ ngân sách theo định mức đối với các tỉnh này. Đồng thời giao tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên các môn chuyên biệt và giáo viên tiểu học cho các cơ sở đào tạo giáo viên để đáp ứng nhu cầu nguồn tuyển giáo viên cho các địa phương.
Về chính sách thu hút giáo viên trong toàn bộ thời gian công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên kiến nghị hợp đồng không thời hạn đối với giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn từ 10 năm trở lên. Hỗ trợ giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, như: tiền thuê nhà, tiền đi lại đối với giáo viên dạy tại các điểm bản; tiền trực trưa.
Cũng nêu thực trạng khó khăn về biên chế giáo viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, khi quy mô giáo dục tăng, dẫn đến số biên chế thiếu. Địa phương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, Bộ GDĐT và các bộ rà soát để đánh giá lại định mức biên chế giáo dục, đặc biệt là cơ cấu về các môn học, một số môn học đặc thù để phù hợp với công tác giảng dạy hiện nay ở các địa phương.
Vượt qua thách thức, đổi mới sáng tạo
Nhấn mạnh giáo dục có vai trò quan trọng và là một trong ba đột phá phát triển đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những kết quả quan trọng đạt được của ngành Giáo dục trong năm học vừa qua, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Cụ thể, việc đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vẫn còn một số bất cập như đã chỉ ra tại Nghị quyết số 686 /NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên cục bộ. Chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều. Đặc biệt là giáo viên thời đại số, thời đại 4.0. Chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là ở các thành phố lớn hoặc các địa bàn khó khăn.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, vẫn còn tình trạng thiếu trường lớp, nhất là tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; tại một số địa phương vẫn còn tồn tại phòng học nhờ, phòng học mượn,... nhiều cơ sở giáo dục thiếu các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu.
Từ đây, Thủ tướng nhấn mạnh 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Bộ GDĐT, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới. Bao gồm, chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới (trường lớp học, trang thiết bị, sách giáo khoa, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn...). Đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, tiếp tục rà soát bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế chính sách về giáo dục. Bộ GDĐT cần tập trung xây dựng Luật Nhà giáo, xây dựng các chiến lược phát triển giáo dục... Ngoài ra, tổng kết toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; do đó Thủ tướng yêu cầu, cần chuẩn bị kỹ, chu đáo, tổ chức kỳ thi an toàn, thiết thực, giảm áp lực và chi phí cho phụ huynh, thí sinh.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học, tập trung triển khai các chương trình, đề án theo chương trình chất lượng cao... Mặt khác, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư...
Để giải bài toán giáo viên, Thủ tướng chỉ đạo cần xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp hài hòa với hoàn cảnh đất nước, với các ngành khác. Thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đôi ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” và phù hợp, hợp lý, hiệu quả với thực tiễn. Tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục khuyết tật, giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn:
Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng
Năm học 2024 - 2025, cùng với cả nước, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ lớn được giao tại các nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để tiếp tục đổi mới, phát triển giáo dục, đào tạo. Trong đó triển khai ngay nội dung Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Trung ương; hoàn thành tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện trong thời gian qua.
Đồng thời sẽ triển khai đổi mới Chương trình giáo dục mầm non mới; tăng cường tự chủ đại học theo hướng ngày càng chất lượng, chiều sâu, thực tế, thực chất; thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các ngành công nghệ, kỹ thuật cao, trong đó có ngành vi mạch bán dẫn.