Nâng cao chất lượng liên kết xuất bản

Phạm Sỹ 06/10/2023 07:04

Hoạt động liên kết đã giúp cho ngành xuất bản phát triển mạnh trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, mô hình này đến nay cũng đã bộc lộ bất cập, hạn chế, xuất hiện nhiều đầu sách kém chất lượng, bị xã hội phê phán… cần khắc phục.

Liên kết xuất bản để thị trường sách phong phú, đa dạng hơn.

Lượng và chất chưa tương xứng

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, 100% các nhà xuất bản (NXB) có liên kết xuất bản. Trong đó, có 32/57 NXB có tỷ lệ liên kết cao (trên 70% tổng số xuất bản phẩm).

Một số cuốn sách liên kết xuất bản đạt giải thưởng cao như: Súng, vi trùng và thép: định mệnh xã hội loài người (NXB Thế giới liên kết với Công ty Omega Books), giải A Giải thưởng Sách quốc gia năm 2021; Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (NXB Thế giới liên kết với Công ty CP sách Thái Hà), giải A Giải thưởng Sách quốc gia năm 2022.

Luật Xuất bản năm 1993 cho phép cá nhân, tổ chức được thành lập cơ sở in và phát hành. Từ đây, một số nhà sách tư nhân đã chủ động liên hệ với tác giả, đầu tư kinh phí tìm kiếm bản thảo để gửi đến nhà xuất bản đăng ký xuất bản, sau đó tổ chức in và phát hành. Luật Xuất bản (sửa đổi) năm 2004 chính thức cho phép nhà xuất bản được liên kết với tổ chức, cá nhân cho ra đời các loại xuất bản phẩm. Quy định này tạo điều kiện cho nhiều nhà xuất bản tháo gỡ được vấn đề thiếu vốn để đầu tư bản thảo. Đây là một chủ trương đúng, đem lại diện mạo mới cho ngành xuất bản, góp phần phát triển văn hóa đọc.

Từ năm 2004 đến năm 2022 quy mô xuất bản đã tăng gấp hơn 2 lần. Chất lượng xuất bản phẩm cũng có nhiều chuyển biến tích cực, nội dung ngày càng phong phú, đa dạng, hình thức sinh động, hấp dẫn với nhiều loại hình, cả sách in truyền thống và điện tử, đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương, góp phần khẳng định vị trí quan trọng của hoạt động xuất bản trong đời sống xã hội.

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nhận định, chất lượng xuất bản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực, nội dung ngày càng phong phú, đa dạng, hình thức sinh động, hấp dẫn với nhiều loại hình, cả sách in truyền thống và điện tử, đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương, góp phần khẳng định vị trí quan trọng của hoạt động xuất bản trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, ông Nguyên cũng cho rằng, một số NXB thiếu chủ động trong quá trình tổ chức, khai thác bản thảo dẫn đến chưa thể hiện đúng vai trò chủ trì trong hoạt động liên kết; có biểu hiện buông lỏng quản lý, không thực hiện nghiêm quy trình biên tập xuất bản, để lọt, để sót nhiều chi tiết sai phạm, đưa ra thị trường những cuốn sách kém chất lượng. Bên cạnh đó, vấn đề phí quản lý trong liên kết giữa NXB và đơn vị liên kết còn nhiều bất cập, mặt bằng phí quản lý chưa phù hợp; bài toán kinh tế liên kết chưa có lời giải thoả đáng. Cũng bởi mối liên kết lỏng lẻo này nên một số trách nhiệm của NXB trong việc hỗ trợ đơn vị liên kết còn hạn chế…

Theo ông Lê Thanh Hà - Tổng Biên tập NXB Đại học Sư phạm TPHCM, nhiều NXB không tự tổ chức được bản thảo mà bản thảo do các đối tác liên kết tự thiết kế, dàn trang… vì thế bộ phận chuyên môn của NXB dần không còn. Nhiều NXB chỉ còn khâu biên tập và một bộ phận văn phòng làm các thủ tục xuất bản. Trong điều kiện này, NXB đã thu khoán cả gói cho mỗi đầu sách một khoản tiền nào đó.

Hoàng Việt nhất thống dư địa chí - giải A Giải thưởng Sách quốc gia năm 2022.

Cần hành lang pháp lý chặt chẽ

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, cần nâng cao vai trò của lực lượng làm sách tư nhân. Bởi đây là lực lượng không chỉ kinh doanh sách mà còn tham gia các hoạt động chung của ngành, góp phần phát triển văn hóa đọc. Cùng với đó, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cả hai bên với mỗi ấn phẩm, cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của đối tác liên kết, trong đó có việc đảm bảo sách được in đúng với bản thảo NXB cấp phép. Hiện tại, khi sách có sai sót, các NXB phải giải trình, kiểm điểm, nộp phạt, tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, trong khi các văn bản hiện nay chưa quy định rõ trách nhiệm của đối tác liên kết.

Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đề xuất, nên cho đơn vị sách tư nhân được đặt tên là công ty liên kết xuất bản tư nhân, có bộ máy tổ chức hoàn chỉnh, đồng thời cũng chịu trách nhiệm khi ấn bản phẩm có vấn đề chứ không chỉ riêng NXB. Ngoài ra, nhân sự các công ty tư nhân cũng được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ như các biên tập viên ở NXB.

Bên cạnh vai trò và trách nhiệm của các NXB thì bài toán kinh tế cũng là một trong những khó khăn mà nhiều đơn vị đang gặp phải. Dẫn đến tình trạng bán giấy phép xuất bản.

Về vấn đề này, ông Phạm Minh Phúc - Quyền Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Khoa học xã hội kiến nghị, cơ quan có thẩm quyền quy định giá sàn đối với các công việc liên quan đến liên kết xuất bản, đặc biệt là đơn giá biên tập, duyệt nội dung xuất bản đối với từng loại sách. Bên cạnh đó, cần quy định đối tác liên kết phải chịu trách nhiệm về vấn đề bản quyền tác giả cũng như đồng trách nhiệm với NXB về chất lượng nội dung. Có như vậy công tác liên kết xuất bản mới đảm bảo chất lượng đồng thời đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà xuất bản.

Bà Ngô Thu Phương - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Văn học cho rằng, cần có một hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động liên kết xuất bản. Bởi hoạt động liên kết xuất bản, không có quy định thống nhất về khung quản lý phí xuất bản phẩm, dẫn đến tình trạng một số NXB thu phí quá thấp hoặc quá cao, không tương xứng với mức thù lao. Dẫn tới việc cạnh tranh không lành mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao chất lượng liên kết xuất bản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO