Mặt trận

Nâng cao hiệu quả chính sách dân tộc từ hoạt động giám sát của nhân dân

Thanh Phong 09/08/2023 16:39

Phát huy vai trò giám sát của nhân dân không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để khơi dậy sức mạnh và nguồn lực nhân dân trong quá trình thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Cũng vì thế mà các chính sách dân tộc đã được triển khai đầy đủ hơn, kịp thời hơn.

Đoàn giám sát của Ủy ban Dân tộc thăm mô hình liên kết sản xuất theo Chương trình MTQG tại thôn Loa, xã Thành Long, huyện Hàm Yên.
Đoàn giám sát của Ủy ban Dân tộc thăm mô hình liên kết sản xuất theo Chương trình MTQG tại thôn Loa, xã Thành Long, huyện Hàm Yên.

Phát huy dân chủ trong thực hiện chính sách dân tộc

Những năm qua, vai trò giám sát, phản biện của nhân dân trong thực hiện chính sách dân tộc đã là việc làm tự nguyện, thường xuyên, mang tính trách nhiệm cao ở các thôn, bản. Với đặc thù là xã vùng cao, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, xã Phìn Ngan là xã vùng III của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai luôn thực hiện khá tốt các chính sách dân tộc. Ông Vàng Láo Lở, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan cho biết: Hiện nay xã Phìn Ngan đang tập trung triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Để đạt mục tiêu và kết quả cao nhất, ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, chúng tôi đã tổ chức họp từng thôn bản, lấy ý kiến của bà con về đầu tư từng tuyến đường, từng nhà văn hóa. Riêng đối với nguồn vốn sự nghiệp, chúng tôi để bà con đưa ra ý kiến lựa chọn nuôi con gì, trồng cây gì mang lại hiệu quả nhất. Từ đó, khi triển khai sẽ có sự ủng hộ của bà con, góp phần vào thành công của từng dự án…

“Như tuyến đường thôn Trung Chải, khởi công từ tháng 11/2022 với tổng vốn đầu tư trên 1,6 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia. Khi chuẩn bị triển khai, chúng tôi đã tổ chức họp thôn, thông báo công khai các hạng mục của công trình, trong đó có phần hiến đất làm đường. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phân tích cho bà con hiểu hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của thôn khi con đường hoàn thành. Bởi thế, chỉ trong 6 tháng tuyến đường đã cơ bản hoàn thành, trong đó, người dân đã hiến hàng nghìn m2 đất để mở đường…”, ông Lở thông tin thêm.

Để thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra, cộng đồng dân cư ở thôn, bản, xã đã thành lập, cử đại diện vào các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Từ chức trách của mình, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã vận động bà con nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc phối hợp giám sát về môi trường, sử dụng vật tư, vật liệu, sử dụng cây, con giống hỗ trợ… đối với dự án được triển khai. Chính từ hoạt động giám sát, kiểm tra của nhân dân đã hạn chế lãng phí, thất thoát vốn, tài sản, đồng thời sớm phát hiện những thiếu sót, sai phạm trong quá trình thực hiện… để kiến nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công “sửa sai” kịp thời.

Tương tự, tại xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, các hoạt động giám sát, kiểm tra của người dân đã phát huy tác dụng tốt trong thực hiện chính sách dân tộc. Ông Đoàn Phúc Hạnh, nguyên Chủ tịch UBND xã Dân Hóa, nay là Trưởng Ban Quản lý Dự án huyện Minh Hóa cho biết: Cách đây mấy năm, thực hiện chính sách hỗ trợ con giống cho những hộ người Chứt, Bru Vân Kiều thường gặp khó khăn do đề án đã hỗ trợ bò giống lai Sind. Tuy nhiên, khi được bà con kiến nghị, nên xem xét, chọn lựa giống tốt ở địa phương sẽ phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Ý kiến của bà con sau đó được lãnh đạo địa phương nghiên cứu và chấp thuận…

Tuyến đường thôn Trung Chải, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát (Lào Cai) được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia.
Tuyến đường thôn Trung Chải, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát (Lào Cai) được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia.

Điều đó cho thấy, hoạt động giám sát, kiểm tra của nhân dân đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thực hiện chính sách dân tộc, góp phần nâng cao hiệu quả của các chính sách dân tộc. Đó cũng chính là một “kênh” chống tiêu cực, tham nhũng, phát huy quyền làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả chính sách dân tộc

Hiện nay, khối lượng các phần việc thuộc các chương trình, dự án từ chính sách dân tộc là rất lớn, chẳng hạn như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Trong khi đó, hoạt động giám sát, kiểm tra của người dân còn nhiều vấn đề đáng bàn. Thực tế cho thấy, do hạn chế năng lực về chính sách, pháp luật, kiến thức quản lý kinh tế, kỹ thuật xây dựng nên hoạt động giám sát, kiểm tra của nhân dân, của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ cho Ban giám sát còn quá thấp nên hoạt động giám sát chủ yếu dựa vào lòng nhiệt tình, trách nhiệm với thôn xóm của các thành viên.

Phải khẳng định rằng, các chính sách dân tộc từ trước đến nay mang lại hiệu quả cao là nhờ có sự đóng góp không nhỏ từ người dân với chức năng kiểm tra, giám sát ngay từ cơ sở. Ban giám sát ở thôn, bản là bộ phận đại diện cho người dân trong việc giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc. Ban giám sát “mạnh” đồng nghĩa với hoạt động giám sát, kiểm tra sẽ hiệu quả và ngược lại. Chưa kể, qua kiểm tra giám sát, đã góp phần đưa việc thực hiện chính sách ở vùng DTTS và miền núi được triển khai kịp thời, đúng mục đích, đối tượng thụ hưởng.

Để nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với việc thực hiện chính sách dân tộc thì cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân, phát huy tinh thần dân chủ, lắng nghe nhân dân. Có như vậy, việc giám sát của nhân dân trong thực hiện chính sách dân tộc mới phát huy hiệu quả cao nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao hiệu quả chính sách dân tộc từ hoạt động giám sát của nhân dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO