Lai Châu là tỉnh có nhiều sông, suối, hồ, địa hình hiểm trở, chia cắt, mùa mưa thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân nói chung và giáo viên, học sinh nói riêng. Trước tình hình trên, ngành Giáo dục Lai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao kiến thức, phòng ngừa, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Mỗi khi nước sông, suối dâng và chảy siết, thầy cô và phụ huynh phải đưa đón học sinh tới trường.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu Lưu Hồng Phương cho biết, ngành Giáo dục địa phương chịu nhiều ảnh hưởng khi mưa lũ thường xảy ra vào đầu và cuối năm học. Thiên tai gây thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của giáo viên và học sinh khi đến trường trong điều kiện địa hình bị chia cắt, sạt lở đất. Mỗi khi xảy ra thiên tai, chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng, cơ sở vật chất trường lớp học càng thiếu thốn hơn.
Trung tuần tháng 2/2019, trên địa bàn huyện Tân Uyên (Lai Châu) xảy ra mưa lớn, gió lốc kèm theo mưa đá làm ảnh hưởng đến tài sản, hoa màu của người dân và các trường học. Theo đó, 13 đơn vị trường của 7 xã và thị trấn bị ảnh hưởng, thiệt hại trên 3 tỷ đồng về cơ sở vật chất.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, ngành Giáo dục huyện Tân Uyên phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, các trường học huy động cán bộ, giáo viên khắc phục, sửa chữa tại chỗ. Các trường học thống kê thiệt hại để huyện có phương án hỗ trợ kịp thời.
Mới đây nhất, ngày 8/4, địa bàn tỉnh Lai Châu có mưa kèm theo gió lốc, làm tốc mái nhiều nhà dân và trường học; trong đó, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) có 4 phòng học bị tốc mái hoàn toàn và hư hỏng nặng. Mưa lốc cũng làm hư hỏng 50 bộ bàn ghế của nhà trường, làm hư hỏng một số phòng ở bán trú, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh. Nhà trường cùng chính quyền địa phương, phụ huynh đã nhanh chóng khắc phục tạm thời để học sinh có chỗ sinh hoạt, học tập.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu, đợt mưa lũ, sạt lở đất xảy ra từ tháng 6-8/2018 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành Giáo dục tỉnh như: 11 nhà ở cán bộ, giáo viên, 23 điểm trường bị ảnh hưởng; 13 phòng học, phòng chức năng công vụ, nhà ở tập thể, nhà bán trú cho học sinh bị hư hỏng nặng... Tổng thiệt hại về tài sản trên 5,6 tỷ đồng.
Nhằm giảm thiểu thiệt hại cũng như nâng cao kiến thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh về ứng phó khi xảy ra mưa lũ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các trường học trong công tác phòng chống thiên tai, nhất là vùng sâu, vùng xa thường xảy ra lũ quét, lũ ống vào mùa mưa.
Theo đó, ở cấp tiểu học, ngành Giáo dục lồng ghép nội dung về phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu vào các môn khoa học tự nhiên khối lớp 1, 2, 3 và môn khoa học của lớp 4, 5. Đối với cấp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông, nội dung này sẽ lồng ghép trong các môn học như: Ngữ văn, Địa lý, Sinh học, Vật lý. Các hoạt động tuyên truyền về biến đổi khí hậu, nâng cao kỹ năng ứng phó khi thiên tai xảy ra được đưa vào hoạt động ngoại khóa để giúp học sinh cập nhật kiến thức, đảm bảo an toàn tính mạng khi mưa lũ xảy ra. Lai Châu sắp bước vào mùa mưa năm 2019, giáo viên đã hướng dẫn phụ huynh, căn dặn học sinh ứng phó kịp thời khi có mưa, lũ, sạt lở đất…