Sáng 9/5, tại Hà Nội, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực quản lý chất lượng mũ bảo hiểm và triển khai thực hiện Nghị định 87/2016/NĐ-CP”.
9 doanh nghiệp (DN) mũ bảo hiểm TP HCM đã khẳng định, các loại mũ bảo hiểm biến tướng xuất hiện nhiều và ngày càng phổ biến. Dù các chính sách bắt đầu được cơ quan quản lý nhà nước ban hành và được bổ sung thêm trong gần 10 năm qua nhưng vẫn không thay đổi được tình hình.
9 DN này chia sẻ có những thời điểm (2009, 2013) các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra tuyên bố lạc quan rằng “sẽ ổn định và lành mạnh hóa thị trường mũ bảo hiểm” trong vòng vài tháng nhưng rồi đâu lại vào đấy. Khi Nghị định 87/NĐ – CP ra đời với mục đích kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm, yêu cầu DN phải đầu tư thiết bị và khuôn mẫu đầy đủ để lắp ráp, sản xuất mũ bảo hiểm được chính DN kỳ vọng sẽ hạn chế sự bát nháo trên thị trường.
Nghị định 87/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đã quy định chặt chẽ về điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm nhằm hạn chế tình trạng giả mạo mũ bảo hiểm, mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. Nghị định là hành lang pháp lý quan trọng cho các nhà sản xuất, phân phối mũ bảo hiểm hoạt động sản xuất, kinh doanh hướng tới một thị trường cạnh tranh phát triển lành mạnh. Đặc biệt quan trọng hơn, người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn và sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn, góp phần giảm thiểu rủi ro khi tham gia giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tại Nghị định 87/2016/NĐ-CP, Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm.
Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh rằng, trên thị trường hiện nay tình trạng mũ bảo hiểm giả, mũ bảo hiểm kém chất lượng với giá 50.000 đồng đến vài trăm ngàn đồng được bày bán tràn lan. Để sống còn, một số DN sản xuất buộc phải “sống chung” bằng cách hạ thấp chất lượng để có thể giảm giá thành. Đây là hệ quả tất yêu của một thị trường không lành mạnh, mà nếu không thay đổi cách quản lý (từ chứng nhận hợp quy, thanh kiểm tra, hay xử lý vi phạm…) thì thị trường mũ bảo hiểm vẫn loạn.
Ông Mai Văn Sùng- Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 nhấn mạnh, nhiều mũ giả được đưa ra thị trường. Trước đó theo số liệu mà ông Khuất Việt Hùng- Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia đưa ra, hiện nay trên cả nước có khoảng 40% mũ bảo hiểm kém chất lượng đang tồn tại trên thị trường, trong đó tỉ lệ mũ bảo hiểm chưa đạt chuẩn ở phía Bắc chiếm khá lớn.
Đại diện 1 DN sản xuất mũ bảo hiểm cho rằng, Nghị định có điểm mới để hỗ trợ DN sản xuất làm ăn chân chính nhưng trong Nghị định không nói đến xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương nếu để xảy ra tình trạng sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm giả trên địa bàn mình quản lý. Như vậy e rằng việc quản lý điều kiện sản xuất và kinh doanh cuối cùng cũng chỉ thực hiện đối với DN “có tóc” như hiện nay.
Ông Tường Duy Sơn- Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền và thực hiện thu hồi, tiêu hủy số mũ bảo hiểm không đạt chuẩn trên thị trường để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường các hoạt động kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cá nhân, cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm không đạt chuẩn; xử lý người sử dụng mũ có kiểu dáng không giống mũ bảo hiểm được quy định theo quy chuẩn và không có dấu chứng nhận hợp quy; xử nghiêm cơ sở làm mũ bảo hiểm giả... Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý chất lượng mũ bảo hiểm từ kiểm tra địa bàn nhằm xử lý triệt để vi phạm ngay từ khâu sản xuất, kinh doanh...