Tại Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 6 khóa (IX), một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà nhiều đại biểu đề nghị Mặt trận các cấp cần quan tâm thực hiện là nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Để nâng “chất” hoạt động giám sát, phản biện, ông Trần Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đề nghị, trong thời gian tới, UBTƯ MTTQ Việt Nam cần đưa ra hướng dẫn liên quan tới quy chế hoặc chế tài về hậu giám sát từ đó khắc phục những hạn chế trong quá trình triển khai và phát huy vai trò của nhân dân trong kiểm tra, giám sát; đồng thời có hướng dẫn các địa phương để đảm bảo thống nhất triển khai từ 70-80% chương trình giám sát mà Trung ương đề ra.
Có như vậy mới phản ánh được bức tranh toàn cảnh trong chương trình giám sát năm 2022, tránh tình trạng dàn trải, mỗi địa phương lại triển khai các chương trình giám sát khác nhau.
Về chương trình giám sát năm 2022, PGS. TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam đề nghị MTTQ Việt Nam cần đẩy mạnh việc giám sát “truyền thông”, không để truyền thông thái quá trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay. Chỉ khi phát huy vai trò giám sát của Mặt trận các cấp, người dân mới không hoang mang và bình tĩnh tiếp cận với dịch vụ y tế.
Cùng góp ý vào nội dung này, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Nguyễn Quang Huân cho rằng, quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là phát triển bền vững. Phát triển bền vững không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế mà còn phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
“Hiện nay, vấn đề rác thải từ những ngành nghề như sản xuất năng lượng, giao thông, nông nghiệp, lâm nghiệp đang cần được giải quyết. Hay vấn đề môi trường đô thị, rác thải, nước thải sẽ được xử lý ra sao? Nếu Mặt trận không giám sát thì thực trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được kiểm soát” - ông Huân đề xuất và mong muốn, MTTQ Việt Nam sẽ đưa nội dung này vào chương trình giám sát, phản biện để cùng chung tay đưa đất nước phát triển xanh, phát triển bền vững.