Ngày 13/10, trả lời ý kiến của cử tri Q.3, TP HCM quan tâm đến hoạt động sửa đổi các dự thảo luật tại kỳ họp Quốc hội sắp tới, Đại biểu Trần Du Lịch (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP HCM) thay mặt Tổ ĐBQH – Đơn vị số 1 cho biết: Quan điểm chung của kỳ họp lần này là sẽ nâng chất lượng sửa đổi luật, trong đó đảm bảo thực thi các quyền và lợi ích của công dân.
Cử tri rất quan tâm đến chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. (Ảnh: Hồng Phúc).
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Hà Hạnh (P.4, Q.3) bày tỏ quan tâm đến công tác nhân sự của ĐH Đảng lần thứ XII. Cử tri Hạnh cho biết, nhiều cử tri, người dân đặt kỳ vọng công tác nhân sự của Đảng làm chặt chẽ và minh bạch. Những người được bầu chọn phải đại diện cho nhân dân, có bản lĩnh, năng lực và tầm vóc. Đặc biệt, trong bối cảnh mới thì người lãnh đạo phải đủ tâm và tầm để giải quyết những vấn đề lớn về chủ quyền đất nước, kinh tế và đời sống cấp thiết của người dân.
Góp ý về vấn đề giáo dục, cử tri Trần Thị Thu Hà, Hội Luật gia Q.3 phản ánh, học sinh tiểu học cứ mỗi năm phải mua một bộ sách mới. Đây là áp lực không nhỏ đối với phụ huynh học sinh các gia đình nghèo.
Cử tri Hà cũng đề nghị nên có luật xử phạt bỏ rơi con vì hiện nay xuất hiện nhiều trường hợp cha mẹ bỏ rơi trẻ sơ sinh ở các bệnh viện, để lại gánh nặng cho xã hội. Các ý kiến cử tri cũng kiến nghị lần sửa đổi luật này Quốc hội nên nâng cao chất lượng hơn nữa để hạn chế sai sót để tránh phiền hà, cũng như gây gây thiệt hại cho người dân.
Chia sẻ ý kiến của cử tri, Đại biểu Trần Du Lịch cho biết, do có quá nhiều những bức xúc, bất cập đặt ra trên thực tiễn nên chương trình kỳ họp lần tới của Quốc hội đặt nhiệm vụ trọng tâm là nâng chất lượng sửa đổi luật, trong đó đảm bảo thực thi các quyền và lợi ích của công dân.
Đại biểu Lịch dẫn chứng: Chẳng hạn một người bị tạm giam, tạm giữ, truy tố thì trong suốt quá trình đó họ chưa có tội, chỉ khi có bản án của tòa án thì mới coi là họ có tội. Một số luật mới cũng được áp dụng để xử phạt tình trạng “rải đinh”. Thậm chí, xét thấy nếu rải đinh mà xe cán phải gây tai nạn chết người thì hình thức xử lý có thể đưa vào hình sự.
Quốc hội cũng sẽ làm rõ “Quyền im lặng và không im lặng”. Chẳng hạn, cơ quan công tố muốn truy tố một người có tội thì phải chứng minh họ có tội; chứ không được yêu cầu người đó chứng minh quy kết của cơ quan công tố. Theo Đại biểu Trần Du Lịch, thủ tục để một người dân có quyền đi kiện cơ quan hành chính cũng sẽ được thông qua.
Kỳ họp tới, luật về trưng cầu ý dân, trong đó quy định những việc gì phải đưa ra lấy ý kiến của người dân cũng được Quốc hội cho ý kiến. Nhìn chung, chương trình xây dựng pháp luật ở kỳ họp Quốc hội lần này sẽ bàn rất kỹ và cẩn trọng để nâng chất lượng sửa đổi luật trước khi được ban hành.