Dự báo mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu có khả năng tăng từ 50% đến 100% so với mức hiện tại trong năm 2050, cho thấy sự thách thức lớn đối với việc đáp ứng nhu cầu năng lượng đang gia tăng trên toàn thế giới. Ngay cả ở những nước phát triển, nhiều vùng nông thôn vẫn thiếu dịch vụ năng lượng cơ bản này.
Thiếu năng lượng
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tại các khu vực thành thị, hầu hết các hộ gia đình hiện đã được sử dụng điện, nhưng ở khu vực nông thôn, ngay cả ở các nước đang phát triển, 1/5 số hộ gia đình trên toàn thế giới vẫn thiếu dịch vụ năng lượng cơ bản này.
Trên phần lớn châu Phi cận Sahara, cũng như các khu vực châu Á và châu Mỹ Latinh, ngay cả những nhu cầu năng lượng cơ bản nhất để nấu ăn và sưởi ấm vẫn chưa được đáp ứng. Điển hình tại một số quốc gia Trung Đông, thiếu điện kéo dài trong bối cảnh các đợt nắng nóng đỉnh điểm có thể để lại hậu quả khó lường.
Theo dữ liệu từ BP (trang đánh giá thống kê về năng lượng thế giới), sự gia tăng dân số, đô thị hóa, thu nhập tăng và nhu cầu lớn chưa được đáp ứng về dịch vụ năng lượng đều sẽ thúc đẩy tiêu thụ năng lượng trong ba thập kỷ tới, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển nhanh.
Tại Iran, thiếu hụt năng lượng là nguyên nhân đằng sau nhiều cuộc tuần hành tại một số thành phố lớn. Thiếu điện cũng xảy ra tại nhiều thành phố khắp Iraq, sau khi chính quyền Baghdad chưa thể thanh toán khoản tiền điện và buộc Tehran phải tạm ngưng cung cấp điện như thỏa thuận trước đó. Theo AP, 4 đường dây truyền tải điện lớn giữa hai bên đã không hoạt động từ cuối tháng 6.
Ở Syria, mất điện đã là câu chuyện thường ngày. Tại Bắc Damascus, nhiều thấng trở lại đây, người dân phàn nàn khu vực họ ở bị mất điện tới 20 tiếng/ngày. Tại Aleppo, tờ báo thân chính phủ Al-Watan cho biết thời gian cắt điện có thể kéo dài tới 8 tiếng/ngày.
Trong khi đó, tại Beirut, người dân đã quen dần với lịch cắt điện 3 tiếng/ngày. Ngành năng lượng Lebanon đã không thể cung cấp đủ điện 24 giờ liên tục cho người dân kể từ khi nội chiến kết thúc năm 1990. Hầu như mọi nguồn năng lượng của quốc gia này đều đến từ máy phát điện chạy dầu. Trang chủ công ty điện quốc gia cũng ngừng hoạt động.
Học giả Jessica Obeid tại Viện Nghiên cứu Trung Đông có trụ sở tại Washington nhận định, thực trạng thiếu hụt năng lượng tại Trung Đông đang trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng cao. Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề lại nằm ở công tác hoạch định, quản lý yếu kém và thiếu sự đầu tư vào hạ tầng cung cấp năng lượng của các quốc gia này trong nhiều năm qua.
Nhu cầu tăng cao
Ngoài việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản, các hộ gia đình ở các nước đang phát triển ngày càng có xu hướng muốn sử dụng các dịch vụ năng lượng tiên tiến hơn cho chiếu sáng, sưởi ấm, điều hòa không khí, truyền hình, máy tính và giao thông, hàng không…
Năm 2019, một người bình thường ở các nền kinh tế tiên tiến trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế đã sử dụng năng lượng nhiều hơn gấp ba lần so với những người đồng cấp của họ ở phần còn lại của thế giới.
Tuy nhiên, ngay cả khi các nước đang phát triển thu hẹp một phần của khoảng cách, sự gia tăng trong việc sử dụng năng lượng sơ cấp vẫn sẽ rất lớn. Mức sống gia tăng và mức tiêu thụ năng lượng ở các nước đang phát triển giải thích tại sao hầu hết các dự báo đều cho thấy nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng mạnh vào năm 2050, ngay cả khi hiệu quả sử dụng năng lượng có thể được cải thiện.
Ngày 27/7, nhà điều hành lưới điện bang Texas, Mỹ dự báo, nhu cầu sử dụng năng lượng điện tại bang này sẽ đạt mức cao kỷ lục trong tuần tới khi các hộ gia đình và doanh nghiệp dùng điều hòa nhiệt độ để chống chọi lại đợt nắng nóng đang lan tỏa khắp bang.
Thời gian này, Mỹ đã bị ảnh hưởng bởi một số hiện tượng thời tiết khắc nghiệt bao gồm cả đợt đóng băng hồi tháng 2/2021 ở Texas khiến hàng triệu người bị mất điện và nắng nóng kỷ lục ở Tây Bắc Thái Bình Dương vào đầu mùa hè này.
Theo AccuWeather, nhiệt độ cao ở Houston dự kiến lên tới 97 độ F (36 độ C) vào thứ Hai tuần tới. Các nhà kinh doanh năng lượng lưu ý, nhiệt độ dự kiến sẽ đạt mức 90 độ F mỗi ngày trong khoảng thời gian từ 22/7 đến cuối tháng 8.
Phát triển năng lượng bền vững
Nhu cầu năng lượng tăng cao đang đòi hỏi việc đáp ứng cần được cải thiện, tuy nhiên, phát triển năng lượng làm sao đảm bảo yếu tố an toàn cho môi trường, đó mới là mục tiêu lớn mà các nhà hoạch định chính sách đề ra.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay, 1/3 dân số thế giới vẫn dựa vào các nhiên liệu nấu ăn truyền thống như củi, than và dầu hỏa. Đốt nhiên liệu gia đình là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí trong nhà đáng kể, góp phần làm cho chất lượng không khí ngoài trời kém và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới trước đại dịch Covid-19.
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, ô nhiễm không khí hộ gia đình là nguyên nhân gây ra gần 4 triệu ca tử vong trong năm 2016. Việc sử dụng nhiên liệu rắn và dầu hỏa có liên quan đến việc tăng tỷ lệ tử vong do bệnh hô hấp dưới cấp tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đột qụy, bệnh tim mạch vành và ung thư phổi.
Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ thay thế các nhiên liệu nấu ăn gây ô nhiễm bằng điện, khí đốt tự nhiên, khí hóa lỏng, khí sinh học, ethanol và năng lượng mặt trời, nhưng khoảng 3 tỷ người hiện nay vẫn đang dựa vào các nguồn năng lượng thô sơ.
Các nhà hoạch định chính sách thường mô tả quá trình chuyển đổi sang hệ thống năng lượng trong tương lai phụ thuộc bởi hai thay đổi mang tính cách mạng: điện khí hóa hệ thống năng lượng tổng thể và khử cacbon trong các mạng điện.
Nhưng có một sự chuyển đổi thứ ba, cung cấp các dịch vụ năng lượng cơ bản và nâng cao cho các nước đang phát triển, dựa trên các nguồn không phát thải, được cho rằng có thể sẽ còn nhiều thách thức hơn.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đã cam kết đảm bảo khả năng tiếp cận phổ biến đối với các dịch vụ năng lượng hiện đại một cách đáng tin cậy, giá cả phải chăng, đồng thời giảm lượng khí thải ròng xuống mức 0 như một phần Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.