Năng lượng sạch và nguy cơ ô nhiễm môi trường

Minh Phương 23/09/2020 07:28

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo là giải pháp cho mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển bền vững. Tuy nhiên, về lâu dài, giới chuyên gia đánh giá, nếu không cẩn trọng, những tấm pin mặt trời xả ra môi trường lại được báo động đỏ như đối với túi nilon hiện nay.

Các tấm pin mặt trời ẩn chứa những rủi ro đối với môi trường khi hết hạn sử dụng.

Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng công suất năng lượng điện mặt trời đã tăng lên mạnh mẽ khi các nhà đầu tư đổ vốn dồn dập vào lĩnh vực này. Phát triển mạnh các dự án điện mặt trời đồng nghĩa với việc giảm áp lực nguồn cung điện. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, việc triển khai trên quy mô rộng của các hệ thống điện năng lượng mặt trời đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực đến môi trường.

Theo nhận định của giới chuyên gia trong ngành, thời gian qua, số dự án nhà máy điện mặt trời phát triển mạnh cũng đi kèm với số lượng lớn các tấm pin mặt trời được lắp đặt trên các mái nhà. Theo đó, BIM Group xây dựng cụm nhà máy điện mặt trời với hơn 1 triệu tấm pin được lắp đặt. Trong khi đó, các DN khác cũng đóng góp một con số không nhỏ, cụ thể Quang Minh với khoảng 300.000 tấm panel tại dự án của Srêpok...

Câu hỏi đặt ra là, các tấm pin mặt trời không thể trường tồn với thời gian, vậy sau khi hết thời hạn sử dụng, chúng sẽ đi đâu hay lại thải ra môi trường giống như số phận những sản phẩm pin của các thiết bị điện tử khác?

Theo các nhà khoa học, điều đáng nói ở đây là, hiện có hai loại chất thải gây hại từ tấm pin năng lượng mặt trời. Chất thải từ sản xuất và chất thải từ pin năng lượng mặt trời sau khi đã qua vòng đời sử dụng, nếu rò rỉ ra bên ngoài sẽ gây tác hại khó lường đối với môi trường sống. Trong khi hiện nay, giải bài toán đối với các sản phẩm pin năng lượng mặt trời sau khi hết hạn sử dụng thực sự là vấn đề đau đầu với các nhà quản lý. Cho đến nay hầu như vẫn chưa có phương pháp nào để giảm những vấn đề về chất thải độc của pin mặt trời.

Theo Cục Năng lượng Mỹ, một tấm pin mặt trời có thời gian sử dụng khoảng 20 - 30 năm tùy vào điều kiện môi trường. Pin mặt trời chứa các kim loại như chì, đồng, nhôm với các tế bào năng lượng mặt trời làm từ tinh thể silicon và được bọc trong lớp nhựa dày để bảo vệ. Việc phân loại và xử lý rác tốn chi phí lớn, chưa kể các hóa chất sinh ra trong quá trình tái chế gây hại cho môi trường.

Những bất cập liên quan đến việc xử lý những hệ lụy về sau của những tấm pin năng lượng mặt trời cũng được ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhấn mạnh khi cho rằng, tấm pin Mặt trời không gây ô nhiễm trong quá trình lắp đặt, sử dụng nhưng sau khi hết hạn và thải ra môi trường thì ô nhiễm rất lớn, hơn cả nilon.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, hiện tại, chúng ta đang gặp khó khăn ở khâu tái chế pin mặt trời do còn đang lúng túng đối về công nghệ tái chế, chủ yếu vẫn đi vào giải pháp xử lý chôn lấp. Và điều chắc chắn ai cũng có thể nhìn ra về những nguy cơ ô nhiễm nguồn đất nguồn nước khi chôn lấp các tấm pin mặt trời. “Và như vậy, thực sự đây là vấn đề nan giải đối đối với bài toán về môi trường sau khi các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng” – ông Ngãi nhấn mạnh.

Như vậy, bên cạnh những ưu điểm về giảm áp lực nguồn cung điện, cho dù là năng lượng sạch, gánh nặng môi trường cũng là một vấn đề cần phải tính đến đối với các dự án điện mặt trời trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năng lượng sạch và nguy cơ ô nhiễm môi trường