Thông tin từ Bệnh viện Da liễu trung ương, chỉ riêng từ đầu tháng 5 đến nay lượng bệnh nhân đến khám và điều trị vì các bệnh về da liễu liên quan đến nắng nóng kéo dài gia tăng đáng kể, ước tính khoảng 20% so với trước đây.
BS Nguyễn Thùy Linh - Phó trưởng khoa Bệnh da liễu phụ nữ và trẻ em cho biết: Trong thời gian gần đây, người dân tới khám đa phần do những bệnh lý nhiễm khuẩn trên da. Với trẻ em, các bệnh hay gặp nhất là chốc, rôm sảy. Bên cạnh đó là các trường hợp nhiễm nấm ở trên da.
Ngoài những căn bệnh nói trên, theo BS Linh, mùa hè còn tác động lớn tới những bệnh nhân vốn đã có bệnh về da, kích ứng với ánh sáng vào mùa nắng nóng thì sẽ có đợt bùng phát tổn thương da. Trong đó điển hình là bệnh ban đỏ trên da tăng lên rất nhiều, kèm theo hiện tượng da khô đỏ, bong tróc vẩy, cảm giác nóng rát, khó chịu cho bệnh nhân.
“Một số bệnh về da khác hay gặp đối với những người hay phải làm việc ngoài trời như nông dân, công nhân xây dựng, người giao hàng… sẽ có hiện tượng cháy nắng, bỏng rát do cháy nắng… Các bệnh mãn tính kéo dài khác như tăng nám sắc tố trên da. Một số bệnh lý khác cũng bị ảnh hưởng bởi mùa hè như sẩn ngứa cả ở trẻ em và người lớn, hay gặp hơn ở thời tiết giao mùa, khi côn trùng ở trong nhà sinh sôi phát triển” – BS Linh cho hay.
Đáng lo ngại hơn, có không ít bệnh nhân đến khám các bệnh về da tại Bệnh viện Da liễu trung ương đã từng dùng các lá thuốc để bôi, tắm. Có bệnh nhân dùng lâu dài, dù bệnh không đỡ. Một số trường hợp khác lại tự ra quầy mua thuốc nhưng mua không đúng thuốc, dùng không đúng cách nên tình trạng bệnh trở nên tầm trọng hơn.
Theo PGS. TS Trần Văn Tiến - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương, có nhiều bài thuốc y học cổ truyền dùng điều trị một số bệnh da có hiệu quả. Tuy nhiên, có một số loại thuốc, bài thuốc đông y được truyền miệng, đồn thổi trong nhân dân không rõ nguồn gốc, thành phần và chưa được đánh giá hiệu quả điều trị. Nhiều trường hợp đã làm bệnh nặng thêm hoặc gây những biến chứng nguy hiểm.
Theo các bác sĩ, có nhiều bệnh viêm da phải trải qua các xét nghiệm, bác sĩ khám lâm sàng, hỏi han tiền sử bệnh kỹ mới có thể kết luận chính xác về bệnh lý và nguyên nhân gây bệnh. Do đó, người dân không thể chỉ dựa vào nhân viên bán thuốc hay lời truyền miệng để tự điều trị bệnh về da cho mình.
“Khi bị bệnh da, người bệnh cần đến thầy thuốc khám đề được chẩn đoán chính xác. Thuốc sử dụng điều trị phải phù hợp với từng loại bệnh và phù hợp với giai đoạn tiến triển của bệnh; phải cân nhắc hiệu quả và sự an toàn của các loại thuốc cho từng đối tượng, chú ý đến tương tác của thuốc. Người bệnh phải tuân thủ những chỉ định điều trị của thầy thuốc, phối hợp chặt chẽ và thường xuyên thông báo những diễn biến của bệnh trong quá trình điều trị để có những điều chỉnh và tư vấn kịp thời” - PGS. TS Trần Văn Tiến nhấn mạnh.