Đánh giá chương trình hợp tác 3 năm qua cho thấy, bộ tài liệu chuẩn hóa đào tạo nâng tầm kỹ năng cho lái xe công nghệ Grab tại Việt Nam đã tiếp nhận được hơn 34 nghìn lượt truy cập, theo dõi; 25 nghìn lượt hoàn tất các câu hỏi trắc nghiệm nhanh. Đa số các lái xe công nghệ được hỏi đều đánh giá đây là bộ tài liệu rất thiết thực.
Sau 3 năm triển khai chương trình hợp tác, ngày 18/7 tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Bộ Lao động Thương binh và xã hội (LĐTB&X) đã tổ chức hội nghị tổng kết và đánh giá kết quả nâng tầm kỹ năng cho cộng đồng lái xe công nghệ Grab Việt Nam.
Tại buổi tổng kết, TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN nhấn mạnh, nâng cao chất lượng, kỹ năng người lao động là nhiệm vụ quan trọng. Để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam cần sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Theo ông Bình, lực lượng lao động tham gia lái xe công nghệ tại Việt Nam ngày càng đông đảo. Do vậy, sự hợp tác giữa Tổng cục GDNN và Grab Việt Nam trong việc nâng tầm kỹ năng cho đội ngũ lái xe công nghệ có ý nghĩa to lớn. Lái xe công nghệ chất lượng cao phải đạt 5 sao. Do vậy cần kịp thời cung cấp, cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng cho lực lượng lái xe công nghệ.
Báo cáo tại hội nghị về kết quả của dự án hợp tác ( 2021- 2024) cho thấy, Tổng cục GDNN và Grab Việt Nam đã cùng nỗ lực nhằm thực hiện, cụ thể hóa những mục tiêu đề ra trong Biên bản ghi nhớ, thông qua việc triển khai các hoạt động mang tính thực tiễn trong Dự án “Nâng tầm kỹ năng nghề nghiệp cho cộng đồng lái xe công nghệ” thuộc khuôn khổ chương trình hợp tác giữa hai bên.
Cụ thể, với mục tiêu nâng tầm kỹ năng cho cộng đồng lái xe công nghệ trong quá trình hoạt động cũng như cuộc sống thường ngày, dựa trên kết quả khảo sát thực tế về nhu cầu đào tạo cùng với kinh nghiệm thực tiễn, các chuyên gia của Tổng cục đã lựa chọn, quy chuẩn và hoàn thiện các nội dung đào tạo bao gồm: Quy tắc ứng xử và tiêu chuẩn phục vụ hành khách, người dùng; Kỹ năng lái xe an toàn; Kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh khẩn cấp; Kỹ năng giao tiếp tiếng Anh; Kỹ năng hỗ trợ hành khách, người dùng là khách du lịch Việt Nam và thế giới; và Kỹ năng quản trị tài chính cá nhân.
Cùng với đó, nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ giảng dạy về bộ tài liệu đào tạo, Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục GDNN đã phối hợp với Grab Việt Nam cùng các chuyên gia xây dựng tài liệu tổ chức tập huấn cho đội ngũ giảng dạy, chuyên gia đào tạo của các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, nhân sự phụ trách đào tạo tại Grab Việt Nam tại các khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.
Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục GDNN) cũng phối hợp cùng Grab Việt Nam và các chuyên gia tổ chức các buổi đào tạo trực tuyến, chia sẻ cùng chuyên gia trên kênh cộng đồng của đối tác tài xế Grab về các kiến thức, kỹ năng cần thiết trong quá trình hoạt động và cuộc sống. Các buổi đào tạo trực tuyến nhận được hơn 24.000 lượt theo dõi; 4.700 lượt tương tác, bình luận trên nền tảng mạng xã hội của cộng đồng đối tác tài xế Grab (số liệu tính đến tháng 6/2024). Bộ tài liệu đào tạo chuẩn hóa được đăng tải trên nhiều kênh các nhau, để cộng đồng tài xế nói chung có thể dễ dàng tiếp cận, theo dõi, gồm: Đăng tải công khai trên kho dữ liệu tại trang web chính thức của Tổng cục GDNN; đăng tải trên nền tảng đào tạo trực tuyến dành riêng cho đối tác Grab - GrabAcademy. Chỉ sau khoảng thời gian ngắn được đăng tải trên GrabAcademy, tính đến tháng 6/2024, bộ tài liệu đào tạo đã tiếp nhận được hơn 34.000 lượt truy cập, theo dõi; 25.000 lượt hoàn tất các câu hỏi trắc nghiệm nhanh (không bắt buộc) của đối tác tài xế Grab.
Đặc biệt, dựa trên nền tảng bộ tài liệu chuẩn hóa, các bên đã phối hợp xây dựng một chuỗi video clip về kỹ năng nghề nghiệp dành riêng cho cộng đồng lái xe công nghệ. Chuỗi video clip được đánh giá là bộ công cụ đào tạo trực quan, sống động, và gần gũi có thể dễ dàng truyền tải thông điệp đến với cộng đồng lái xe công nghệ.
Sau khi triển khai các hoạt động, trong tháng 6/2024, Grab Việt Nam cũng đã thực hiện khảo sát nhanh các đối tác tài xế Grab về mức độ hài lòng đối với nội dung đào tạo trong Dự án “Nâng tầm kỹ năng nghề nghiệp cho cộng đồng lái xe công nghệ”. Qua đó ghi nhận được một số kết quả tích cực như: 87,7% trong số các đối tác tài xế Grab tham gia thực hiện khảo sát cho rằng nội dung đào tạo thực sự hữu ích và cần thiết; 75,2% trong số các đối tác tài xế Grab tham gia thực hiện khảo sát cho rằng nội dung đào tạo có tác động tích cực đối với quá trình hoạt động và cuộc sống hàng ngày…
Đánh giá về kết quả thực hiện, tại hội nghị nói trên bà Đặng Thùy Trang - Giám đốc Đối ngoại Grab Việt Nam cho hay: Trong quá trình 3 năm triển khai, với sự nỗ lực và kinh nghiệm từ các bên, Dự án đã thực hiện được nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của kỹ năng nghề và cung cấp các kiến thức, kỹ năng cần thiết trong quá trình hoạt động và cuộc sống thường ngày cho cộng đồng lái xe công nghệ nói chung và đặc biệt là đối tác tài xế Grab nói riêng.
Đánh giá hiệu quả và tác động của Dự án thông qua mức độ hài lòng của đối tác tài xế Grab cho thấy: 87,7% đối tác tài xế tham gia thực hiện khảo sát cho rằng nội dung đào tạo trong dự án hữu ích và cần thiết; 75,2 % đối tác tài xế tham gia thực hiện khảo sát cho rằng nội dung đào tạo trong dự án có tác động tích cực đối với quá trình hoạt động và cuộc sống hàng ngày. Trong đó, 64,5% đối tác tài xế cho rằng mức độ tác động tích cực ở mức mạnh mẽ và đáng kể; 94.8% đối tác tài xế tham gia thực hiện khảo sát cho rằng nội dung đào tạo trong dự án được triển khai dễ hiểu, dễ tiếp cận; 86% đối tác tài xế tham gia thực hiện khảo sát cho rằng bản thân cảm thấy hài lòng với nội dung đào tạo trong dự án.
Các số liệu trên được phân tích từ kết quả khảo sát đối tác tài xế Grab do Grab thực hiện về mức độ hài lòng của đối tác tài xế đối với nội dung đào tạo trong dự án “Nâng tầm kỹ năng nghề nghiệp cho cộng đồng lái xe công nghệ”.