Trong phiên thảo luận hôm 31/5 về Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, có một vấn đề khá thú vị, nhận được nhiều ý kiến đóng góp của ĐBQH- đó là, việc tổ chức xin lỗi công khai người bị oan và phục hồi danh dự cho họ. Trong Dự thảo đã đưa nội dung này vào Mục 3, Chương V và lấy tên gọi là “phục hồi danh dự cho người bị oan”.
Tuy nhiên, theo phân tích của ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) thì Dự thảo vẫn tiếp cận vấn đề theo hướng chỉ khi người bị oan có đơn yêu cầu, Nhà nước mới tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho họ. Còn nếu như người bị oan không có đơn yêu cầu thì việc xin lỗi công khai và phục hồi danh dự sẽ không diễn ra. Hẳn là, những phát biểu của ĐB này cùng những ĐBQH khác cùng vấn đề chính là góc nhìn thực tế từ những vụ án oan và việc giải quyết hậu quả của những vụ án oan ấy.
Thực ra, không phải đến khi thiết kế Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước mới có chuyện đưa vào đây quy định phải xin lỗi nhằm phục hồi danh dự cho người bị oan; mà tại Điều 34 của Bộ luật Dân sự quy định cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự thì có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin đó xin lỗi, cải chính công khai. Nhưng, dù có thế thì Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước nhắc đến chuyện xin lỗi cũng cần được ghi nhận như một bước tiến nữa, ở cấp độ cao hơn của việc bồi thường trong oan sai. Cao hơn ở chỗ, đây không phải là một quan hệ dân sự thông thường mà nó là việc cá nhân đã bị cơ quan tố tụng làm oan trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, phục hồi danh dự của người bị oan phải là trách nhiệm công vụ chứ không phải là quan hệ dân sự.
Đứng trên quan điểm ấy, ĐB Nguyễn Thị Thủy đã đưa ra nhận xét: Một nền tư pháp có trách nhiệm là nền tư pháp không để người nào gây ra oan đứng ở vòng ngoài và điều này cũng rất phù hợp với cải cách hành chính hiện nay. Và rằng, hơn ai hết, trước khi mong Nhà nước bồi thường về vật chất thì người bị oan mong muốn được Nhà nước tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho họ để cho họ được trở thành người bình thường trong xã hội và để cho họ không phải chịu những ánh mắt canh chừng của xã hội.
Đó thực chất là một cách nhìn rất sòng phẳng và minh bạch trong bối cảnh chúng ta đang mong muốn xây dựng một Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân. Thế thì, một việc làm vì dân trong những vụ án oan sai nên hoặc cần được thể hiện sao cho thấy rõ thiện chí của những cơ quan tố tụng, thay mặt Nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Hay nói như cách nói của ĐBQH Đặng Thuần Phong (Bến Tre) thì đây là cách mà Nhà nước tỏ rõ thiện ý “chơi đẹp” với Nhân dân. Còn ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thì nói rõ hơn quan điểm, khi ông Nhưỡng bảo: Chúng ta đang xây dựng một Nhà nước văn minh. Một Nhà nước văn minh phải là một Nhà nước lịch sự. Bất kỳ ai phạm lỗi với một cá nhân nào đó người ta còn phải xin lỗi trước.
“Thậm chí, chưa cần phải nói rằng anh phải xin lỗi tôi thì người ta đã phải xin lỗi. Văn minh thì phải có lịch sự nên Nhà nước chúng ta phải lịch sự”- ông Nhưỡng dẫn giải vấn đề ấy để đi đến nhận xét tiếp theo: Không phải tất cả người dân đều hiểu được quyền của mình, chúng ta quy định dân có rất nhiều quyền nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được, đặc biệt là những người có trình độ văn hóa thấp, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Vì thế, chúng ta phải hết sức công bằng với người dân; nhất là trong bối cảnh cơ quan công quyền còn chưa làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho dân thế thì bắt dân phải làm những điều họ chưa hiểu hết liệu có là công bằng?
Quả có vậy, việc phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại trước kia có thể không đặt ra hoặc chưa đặt ra; nhưng với sự hoàn thiện pháp luật hiện đã ở mức cao như hiện nay và trong bối cảnh người dân cũng đã có những tiếp cận khác nhau về các vấn đề liên quan luật pháp; vậy thì việc xin lỗi của cơ quan công quyền cần và nên được thực hiện đến nơi đến chốn chứ không phải qua loa đại khái.
Thực ra, nói chuyện xin lỗi công khai, Luật sư Nguyễn Chiến đã phân tích thế này: Một là xác định được người trực tiếp gây oan sai phải có trách nhiệm cùng với cơ quan đại diện giải quyết vấn đề oan sai phải cùng đứng ra xin lỗi và xin lỗi trực tiếp thì người dân mới thấy thỏa đáng, chứ không phải anh gây oan sai sau đó thì ngày xin lỗi anh ở đâu đó, còn lại người đại diện mà người ta chả có lỗi gì lại phải đứng ra xin lỗi. “Để giải quyết vấn đề về xin lỗi công khai và khôi phục quyền lợi thì cơ quan có trách nhiệm phải đứng ra giải quyết.Còn vấn đề xin lỗi công khai phải có cá nhân người gây lỗi trực tiếp xin lỗi đối với người bị hại”
Tuy nhiên, Dự thảo Luật mới chỉ quy định về các hình thức phục hồi danh dự và giao Bộ Tư pháp quy định về trình tự, thủ tục, trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai, đăng báo xin lỗi cải chính công khai. Chính vì vậy, ĐBQH Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) tỏ ý băn khoăn: Liệu có khắc phục tình trạng xin lỗi qua loa, chiếu lệ như báo chí và dư luận xã hội phản ánh trong thời gian qua. Và, ĐB này đề nghị, Dự thảo cần quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục phục hồi danh dự để các cơ quan thực hiện thống nhất.
Đặc biệt, do đặc thù của hoạt động tố tụng hình sự việc làm sai có thể do nhiều cơ quan chứ không phải do một cơ quan, nên cần phải quy định cụ thể thành phần tham gia trong buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai bao gồm đại diện lãnh đạo của các cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan để bảo đảm tính cầu thị thực sự xin lỗi người dân đối với việc làm sai của mình. Mặt khác nó còn đảm bảo tính nhân văn trong một điều luật, thể hiện quan hệ vốn xưa nay khá là tế nhị giữa cơ quan tư pháp với người dân.
“Chúng ta đang xây dựng một Nhà nước phục vụ. Một Nhà nước phục vụ thì không cần thiết phải để người dân xin mình thì mới phục vụ, Nhà nước phải tự mình đi phục vụ. Tôi nhất trí là Nhà nước cần phải thực hiện nghĩa vụ này một cách chủ động hơn là bắt buộc người dân phải đi đòi hỏi” - xin mượn lời của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng thay cho lời kết.