“Phố hàng rong”, thực tế dưới tên gọi đề án “Khu ẩm thực thí điểm kinh doanh có thời gian” được UBND TP HCM cho phép hoạt động trên tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm (phường Bến Nghé, Quận 1).
Phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm trong ngày khai trương. Ảnh: Hồng Phúc.
Giờ đây, những người bán hàng rong được sắp xếp hợp lý buôn bán trong khoảng 20 gian hàng được xếp ngay ngắn trên vỉa hè, được giới hạn bởi vạch kẻ trắng. Ban đầu, những người buôn bán ẩm thực, như xôi, mì xào, bánh bao, nước giải khát được ưu tiên bày bán, chào khách tại “phố hàng rong”.
Chính quyền thành phố cam kết sắp tới, những mặt hàng khác của người bán hàng rong cũng sẽ được tạo điều kiện vào buôn bán tại đường Nguyễn Văn Chiêm. Tuyến đường tuy ngắn, nhưng lại ôm trọn toàn bộ khu cao ốc sầm uất của quận 1, nơi có hàng trăm các văn phòng đại diện, công ty thuê mặt bằng kinh doanh…
Để đảm bảo an toàn vệ sinh, chính quyền thành phố cũng yêu cầu các mặt hàng về ẩm thực cần được chế biến tại nhà trước khi mang ra buôn bán trên đường Nguyễn Văn Chiêm. Đồ ăn, thức uống phải được bày trong tủ kính và chỉ bán cho khách mang đi chứ không ăn uống tại chỗ. Bù lại, những người buôn bán hàng rong không phải trả bất kỳ khoản chi phí nào.
Nhìn vào một diện mạo mới của người bán hàng rong, chính quyền thành phố hi vọng đã kiểm soát được vấn đề lo lắng nhất lâu nay là vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi, quận 1 cũng giải quyết được đáng kể công ăn việc làm cho những gia đình người bán hàng rong có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Từ nay, họ sẽ không phải nơm nớp lo sợ việc trật tự đô thị thu giữ xe đẩy, quang gánh bán buôn do lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Nhiều người dân thành phố cũng hài lòng khi giờ đây họ có nơi chốn để thưởng thức một trong những nét đẹp văn hóa Sài Gòn được báo chí phương Tây nhiều lần ca ngợi: ẩm thực đường phố. Chính quyền TP HCM còn nhìn xa hơn khi muốn biến các “phố hàng rong” tương tự (không chỉ riêng quận 1) trở thành các điểm du lịch để quảng bá hình ảnh của thành phố. Ngành du lịch TP HCM đã chuẩn bị sẵn sàng cho các tour du lịch đầu tiên trải nghiệm khu ẩm thực đường phố này.
Trong lần đầu thí điểm, UBND phường Bến Nghé thực hiện việc phát hành phiếu ăn trả trước, để vận động cán bộ, công nhân viên tham gia mua hàng tại phố hàng rong. Ngoài ra, các nhà tài trợ là những công ty có văn phòng, trụ sở gần khu vực thí điểm cũng sẽ mua ủng hộ vé ăn, phát cho nhân viên nhằm giới thiệu tới người dân về “phố hàng rong” của TP.HCM.
Dù mừng, thế nhưng cũng chưa hẳn hết lo. Ai cũng biết người bán hàng rong đa số là những người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó người có hộ khẩu tại TP HCM thì không nhiều, trong khi phần lớn là dân nhập cư. Về lâu dài, một chính sách nhất quán dành cho các “phố hàng rong” cần phải xem xét đến số lượng đông đảo này.
Tuy nhiên, không riêng TP HCM mà bất kể địa phương nào khi chấp thuận cho việc hình thành “phố hàng rong” đều không thể cho phép người ngoại tỉnh vào buôn bán. Lý do có thể thấy ngay là sự quá tải của các “phố hàng rong” nếu người bán hàng rong từ các tỉnh ùn ùn kéo vào thành phố mưu sinh.
Nhiều những vấn đề khác phát sinh khi tổ chức thí điểm “phố hàng rong” sẽ còn là chủ đề khiến chính quyền TP HCM phải tính toán. Tuy nhiên, với “phố hàng rong” trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm dài chưa đến 40m, với 20 hộ kinh doanh, hoạt động trong hai khung giờ là 6h-9h và 11h-14h đã là một thành công bước đầu của chính quyền thành phố đông dân nhất nước.