Thức dậy vào sáng hôm thứ Ba trong tuần và người dân ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ bắt đầu cảm nhận được sự khác biệt trong bầu không khí của thành phố này: Làn khói bụi dày đặc hơn so với bình thường bao phủ toàn bộ khu vực, biến nó thành một biển khói có mức độ độc hại không thể tưởng tượng.
Nhiều người dân không mang mặt nạ lọc khí dù đã được giới chuyên gia cảnh báo. (Nguồn: CNN).
Ô nhiễm cao gấp 400 lần mức cho phép
Nhiều cư dân New Delhi ban đầu chỉ nghĩ rằng đợt khói bụi rồi sẽ chấm dứt sớm, nhưng đến giữa tuần này, không những không chấm dứt mà những hiệu ứng của tình trạng ô nhiễm không khí này càng trở nên rõ rệt hơn.
Chính quyền thành phố đã buộc phải đưa ra tình trạng không khác gì thiết quân luật để đối phó tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề.
Do tầm nhìn bị hạn chế nghiêm trọng, hàng loạt tuyến tàu hỏa đã buộc phải hủy chuyến, máy bay ngưng trệ trong khi xe hơi cũng tạm ngừng hoạt động sau hàng loạt vụ tai nạn giao thông xảy ra do khói bụi che mắt.
Trong tuần, chính quyền New Delhi đã đưa ra hàng loạt biện pháp tạm thời để đối phó với tình trạng ô nhiễm trầm trọng, khiến cho nhiều người dân có cảm giác như thành phố của họ đang chịu một cuộc tấn công.
Vào chiều hôm thứ Ba vừa qua, giới lãnh đạo thành phố đã chỉ thị đóng cửa tất cả các trường học công và tư, khuyến cáo hàng chục nghìn học sinh ở hạn chế ra ngoài đường.
Hôm thứ Tư, họ ban hành lệnh cấm xe tải hoạt động và ngừng toàn bộ các dự án xây dựng trong thành phố. Đến hôm thứ Năm, chính quyền tuyên bố hàng loạt những bước đi mới trong đó cấm một phần các loại xe hơi tư nhân bắt đầu từ tuần tới.
Nhưng đến khi thành phố này thức dậy vào hôm 10/11, tức ngày thứ tư liên tiếp chịu tình trạng ô nhiễm nặng nề, người dân New Delhi càng cảm thấy lo lắng cho số phận của họ hơn sau khi các chuyên gia và giới truyền thông cảnh báo rằng tình trạng ô nhiễm này có thể gây ra hậu quả lâu dài đối với sức khỏe con người.
Chất lượng không khí đo được ở thủ đô của Ấn Độ đã lên tới mức đáng sợ trong những ngày gần đây, khi có lúc lên trên 1.000 điểm theo chỉ số chất lượng không khí được quy định bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong khi chỉ trên 25 điểm đã được coi là không an toàn.
Được biết chỉ số chất lượng không khí dựa trên mật độ tập trung các loại hạt có hạt, còn gọi là PM2.5, trên 1 mét khối không khí. Các hạt siêu vi này, có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet, được xem là đặc biệt độc hại bởi chúng đủ nhỏ để đi sâu vào phổi và đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể, gây ra nhiều chứng bệnh nghiêm trọng.
Trên khắp New Delhi, nhiều bác sỹ đã báo cáo về số lượng bệnh nhân gia tăng cao mà họ phải tiếp nhận, nhiều người phàn nàn về những cơn đau ngực, khó thở và mắt bỏng rát...
"Con số bệnh nhân đã tăng rõ rệt" - Deepak Rosha, bác sỹ chuyên khoa phổi tại Bệnh viện Apollo, một trong những bệnh viện tư nhân lớn nhất New Delhi, cho hay - "Tôi chưa từng nghĩ ô nhiễm ở Delhi lại tồi tệ đến mức này".
Hít thở trong bầu không khí có chỉ số PM2.5 ở khoảng 950 điểm - 1.000 điểm được xem là độc hại tương tư như việc hút 44 điếu thuốc lá một ngày, theo tổ chức khoa học độc lập Berkerly Earth.
"Phòng hơi ngạt"
Theo giới chuyên gia, tình trạng ô nhiễm ở New Delhi gây ra bởi nhiều nguyên nhân kết hợp, gồm khí thải từ phương tiện giao thông, khói từ việc đốt rác thải, bụi bẩn trên đường phố và các vụ đốt ruộng nương.
Mới đây, bình luận trên tài khoản Twitter cá nhân, Thủ hiến New Delhi, ông Arvind Kejriwal, đã mô tả thành phố này như "một phòng hơi ngạt".
Không có gì ngạc nhiên khi các cửa hàng bán mặt nạ, khẩu trang và bộ lọc khí có doanh thu cao đột biến, khi cư dân khắp thành phố tự trang bị cho mình cách thức phòng chống đơn giản nhất mà họ có thể. Tuy nhiên, phần lớn người dân không thể kham nổi các biện pháp phòng chống đắt tiền nên buộc phải chịu đựng bầu không khí khói bụi này.
"Mắt tôi chảy nước liên tục vì khói, tôi cảm thấy rất khổ sở" - Swati Kashyap, một sinh viên đại học ở New Delhi, cho hay.
Yogesh Kumar, một tài xế taxi, cho hay ông đã bỏ cả ngày trốn trong xe hơi của mình. "Bác sỹ của tôi đã nhắc tôi tới 2 lần rằng phải mang mặt nạ, nhưng tôi đã không làm vậy", Kumar cho hay.
Nhưng ngay cả những người cố gắng che khuôn mặt mình cũng không mang mặt nạ N95, loại mặt nạ đạt tiêu chuẩn lọc được các hạt PM2.5. Phần lớn người dân chỉ đơn giản là tự che mặt lại bằng vải, đội mũ bảo hiểm che kín mặt...