Ngắc ngoải vì nhà máy

Đức Sơn 25/06/2016 09:05

Lẽ thường, người ta xây dựng nhà máy xử lý rác để thu gom, xử lý rác thải góp phần làm cho môi trường xanh, sạch, và cuộc sống tươi đẹp hơn. Nhưng tại TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ thì lại hoàn toàn ngược lại. Nhà máy chế biến rác thải đô thị Việt Trì của công ty TNHH MTV xử lý và chế biến chất thải tỉnh Phú Thọ hàng chục năm qua không ngừng gieo rắc sự ô nhiễm, khiến hàng nghìn hộ dân xã Phượng Lâu và phường Vân Phú... ngắc ngoải.

Ngắc ngoải vì nhà máy

Hơn 500 mét ống dẫn nước thải bằng bạt nhựa mỏng tang
là cách mà nhà máy chế biến rác thải đô thị Việt Trì đang dùng để dẫn những dòng nước thải độc hại chảy qua cánh đồng khiến cánh đồng bị ô nhiễm.

Ô nhiễm nghiêm trọng và kéo dài

Án ngữ trên diện tích gần chục hec-ta giữa cánh đồng xã Phượng Lâu (TP Việt Trì), Nhà máy chế biến rác thải đô thị Việt Trì lại chọn phương pháp chôn lấp thô sơ để xử lý rác thải.

Được thiết kế xử lý 60 tấn rác/ngày từ năm 2014, thế nhưng mỗi ngày nhà máy này xử lý từ 200 tấn rác thải các loại. Quá tải nhưng không tìm ra cách xử lý mới ngoài việc cứ “vỡ” thì lại “vá” khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là với hàng nghìn hộ dân ở xã Phượng Lâu và phường Vân Phú. Dọc tường bao nhà máy rác phía bên trong, nước rỉ rác đen ngòm chảy lênh láng. Khu vực rộng lớn xung quanh nhà máy rác nồng nặc mùi hôi thối. Đứng tại cổng nhà máy rác Việt Trì chỉ vài phút, đã cảm thấy đau đầu, choáng váng do thứ mùi hôi thối xộc lên tận óc.

Men theo đường mương lộ thiên được xây dựng rất thô sơ của nhà máy chế biến rác thải đô thị Việt Trì, không khó có thể quan sát, cảm nhận sự ô nhiễm kinh khủng do nhà máy rác này gây ra. Nước thải đen ngòm, đặc quánh tràn ra nương sắn, đồng ruộng xung quanh. Hơn 500 mét ống dẫn nước thải bằng bạt nhựa mỏng tang là cách mà nhà máy chế biến rác thải đô thị Việt Trì đang dùng để dẫn những dòng nước thải độc hại chảy qua cánh đồng của xã Phượng Lâu.

Cánh đồng rộng lớn trước đây là nguồn sống của hàng trăm hộ dân địa phương giờ không thể cấy hái, nuôi trồng được gì. Nông dân có cố cắm cây lúa xuống ruộng được một thời gian là chết nhũn do ô nhiễm.

Lội ruộng thì ngứa ngáy, chân tay lở loét, người dân sợ cả ruộng của mình. Cá, tôm, cua trong cánh đồng phơi bụng chết trắng mỗi khi nước thải đổ về. “Cái đường dẫn nước thải bằng bạt này do chúng tôi kêu quá nên nhà máy rác dựng lên xử lý tạm thời. Ngay đến con bò xuống uống nước ở mương máng cũng bị chết”- ông Bùi Văn Xuân, người xã Phượng Lâu cho biết.

Có ruộng không thể cấy, người dân xã Phượng Lâu phải lũ lượt kéo nhau đi làm thuê tứ phương kiếm sống qua ngày. “Nhiều năm nay, chúng tôi sống cơ cực khổ sở. Bệnh tật, ô nhiễm môi trường cứ đeo bám dai dẳng hết năm này qua năm khác.

Hôm nay, các anh đến trời nắng và có gió còn đỡ. Hôm trời mưa hoặc không có gió thì thôi rồi. Mùi hôi thối từ nhà máy rác bốc ra nồng nặc, dân chỉ còn cách đóng cửa đeo khẩu trang, hoặc dạt nhà đi chỗ khác để tránh rước họa vào thân”- anh Lam, một người dân xã Phượng Lâu cho biết. Cùng chung sự bức xúc, chị Mai than thở: “Mới đầu, dân chúng tôi phản đối việc xây dựng nhà máy chế biến rác vì lo sợ sẽ gây ô nhiễm môi trường nhưng ngành chức năng có nghe đâu. Họ vẫn cứ kiên quyết đặt nhà máy rác ở gần khu dân cư, khiến cuộc sống người dân khốn khổ vô cùng. Quanh năm suốt tháng sống chung với mùi hôi thối khiến ai cũng mất ăn mất ngủ, gầy teo tóp. Còn ruồi thì nhiều vô kể, dọn bữa cơm ra là ruồi muỗi bu đầy nuốt miếng cơm nghẹn đắng đến tận cổ”.

Ngắc ngoải vì nhà máy - 1

Do bị ảnh hưởng nước thải độc hại từ nhà máy chế biến rác thải
đô thị Việt Trì gây ra, nên diện tích ruộng lúa ở xã Phượng Lâu
bị bỏ hoang ngày càng nhiều.

Đáng ngại nhất là thứ nước độc hại từ nhà máy rác cứ ngấm dần vào nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt của người dân khiến hầu hết các giếng khơi xung quanh nhà máy không thể sử dụng được. Đi đến bất cứ đâu ở xã Phượng Lâu cũng nghe người dân kể vanh vách những người bị bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn, hô hấp, tiêu hóa và thậm chí cả các bệnh hiểm nghèo.

Không chỉ xã Phượng Lâu, người dân phường Vân Phú cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự ô nhiễm do bãi rác gây ra. Chính quyền phường đã chuyển ý kiến của người dân lên các ngành chức năng nhiều lần nhưng không nhận được sự hồi âm gì.

Cùng với nhà máy rác gây ô nhiễm triền miên, thì việc vận chuyển của các xe chở rác để rơi vãi rác, nước thải dọc đường cũng gây ô nhiễm. Ô nhiễm chồng lên ô nhiễm; đơn thư kêu cứu của người dân cũng chồng cao dần lên.

Ngắc ngoải vì nhà máy - 2

Quá tải, lại sử dụng công nghệ chôn lấp xử lý rác đơn giản
là nguyên nhân khiến môi trường xung quanh nhà máy
chế biến rác thải đô thị Việt Trì bị ô nhiễm nặng.

Coi thường dân

Sự việc nhà máy chế biến rác thải đô thị Việt Trì gieo rắc ô nhiễm khiến người dân lao đao, làm cán bộ UBND xã Phượng Lâu bức xúc không kém. “Nhà máy quá coi thường dân. Chính quyền xã kiến nghị rất nhiều lần nhưng họ không hợp tác.

Nhà máy rác lợi dụng vào ban đêm và trời mưa xả thải độc hại ra đồng ruộng. Khi biết có đoàn kiểm tra họ lại dọn dẹp, rửa sạch thải trước để đối phó. Khi có gió thì cả xã Phượng Lâu phải ngửi mùi hôi thối. Trong vùng số lượng bệnh tật và số người bị ung thư nhiều hơn các vùng khác. Tôi đề xuất nhà máy nên di chuyển đi chỗ khác, không thể để đây được”- ông Trương Văn Quý, cán bộ địa chính-môi trường xã Phượng Lâu bức xúc.

Nói về đường ống dẫn nước thải bằng bạt qua cánh đồng xã Phượng Lâu, ông Trần Huy Nam- Phó chủ tịch UBND xã Phượng Lâu khẳng định rằng, đường ống bạt do nhà máy chế biến rác Việt Trì xây dựng trái phép. Nhà máy này đã tự ý chiếm dụng trái phép đất trồng lúa của nhân dân để đặt đường ống bạt tiêu thoát nước. Xã đã từng ra quyết định xử hành chính đối với nhà máy nhiều lần; chính quyền địa phương liên tục nhắc nhở, yêu cầu nhưng nhà máy vẫn bình chân như vại.

Cũng theo lãnh đạo xã Phượng Lâu, nhà máy xử lý chất thải đô thị Việt Trì xả nước thải trực tiếp xuống ruộng canh tác và đồng thả cá của nhân dân, làm thiệt hại tài sản của nhân dân. Các khu đồng bị ảnh hưởng gồm có: đồng Trằm Nhì, Đồng Trằm Hái, đồng Cửa Xóm, đồng Hồ Thiếc, đồng Song, đồng Luồng, đồng Nhồi và đồng Kiết.

Ngắc ngoải vì nhà máy - 3

Việc này diễn ra trong nhiều năm gần đây. “UBND xã đã nhiều lần có văn bản đề nghị nhà máy cùng các cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý nhưng đến nay vẫn không được giải quyết, không có đơn vị nào hồi âm gây bức xúc cho nhân dân”- ông Trần Huy Nam, Phó chủ tịch UBND xã Phượng Lâu bức xúc.

Để biện minh cho hành vi gây ô nhiễm của mình, đại diện nhà máy chế biến rác thải Việt Trì đưa ra đủ cái khó như: sau 18 năm hoạt động, hệ thống nhà xưởng, khu xử lý rác đã và đang xuống cấp, kinh phí cấp cho sửa chữa không có. Thêm nữa, lượng rác thải ngày càng tăng trong khi giá vật tư, vật liệu liên tục tăng cao.

Trong suốt 18 năm hoạt động nhà máy này chỉ nâng công suất từ 20 tấn rác/ngày lên 60 tấn rác/ngày vào năm 2014. Hiện nay, trung bình mỗi ngày lượng rác thải đưa về nhà máy phải xử lý lên đến 180 tấn - 200 tấn/ ngày, vượt công suất thiết kế hơn 300%.

Kêu mãi, kiến nghị mãi không cải thiện được gì, người dân đã nhiều lần kéo nhau lên dựng lều ở cánh đồng và nhà máy phản đối nhưng cũng chẳng ăn thua. Nhà máy rác vẫn cứ coi thường dân, thờ ơ trước nỗi khổ cực của người dân. Không biết tình trạng bất cập này bao giờ mới chấp dứt…?

Theo thống kê, riêng vụ lúa vừa qua, xã Phượng Lâu có 11,5ha lúa bị thiệt hại nặng, còn diện tịch ruộng lúa ảnh hưởng do nước thải độc hại của nhà máy chế biến rác thải đô thị Việt Trì gây ra lên tới hơn 40ha. Đất đai, ruộng đồng, nguồn nước bị ô nhiễm, sức khỏe của nhân dân bị ảnh hưởng nặng nề. Người dân và cả chính quyền xã Phượng Lâu đều kiến nghị phải chuyển nhà máy rác đi nơi khác để tránh hiểm họa cho nhân dân về trước mắt cũng như về lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngắc ngoải vì nhà máy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO