Giáo dục

Ngăn chặn bạo lực học đường: Tăng cường giáo dục pháp luật cho học sinh

Thu Hương 30/01/2024 07:14

Thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường vẫn không ngừng gia tăng. Mới đây nhất, một học sinh lớp 12 (tại Nam Định) bị đánh hội đồng dẫn đến tử vong. Tại sao vấn nạn này khó giảm?

anh-bai-tren(3).jpg
Nữ giáo viên ở huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) bị nhóm học sinh dồn vào góc tường, buông lời xúc phạm. Ảnh cắt từ clip.

Nhiều vụ việc thương tâm

Khoảng 16h ngày 7/1, tại khu vực Ao Xanh, Cụm công nghiệp Đồng Côi (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), nhóm thanh, thiếu niên và nam sinh Nguyễn Anh T. (18 tuổi, học sinh lớp 12 Trường THPT Nam Trực) xảy ra xô xát. Nhóm thanh, thiếu niên dùng gậy gỗ bên đường và gậy sắt đánh nam sinh T. khiến nạn nhân bị thương ở tay và vùng đầu, dẫn tới chấn thương sọ não, dù được đưa đi cấp cứu nhưng T. đã tử vong vào tối cùng ngày. Nguyên nhân dẫn tới vụ xô xát được xác định là do 2 nhóm này đã có mâu thuẫn từ trước và đến chiều 7/1 hẹn nhau nói chuyện và giải quyết.

Trước đó, vào khoảng 10h30 ngày 29/12, Nguyễn Hoàng Thịnh (là học sinh lớp 12 của Trường THPT Lê Thanh Hiền, xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã dùng dao tự chế đâm vào vùng ngực của Phạm Hữu N. (19 tuổi, trú xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Vì vết thương quá nặng nên nạn nhân tử vong tại chỗ. Nguyên nhân được xác định là Thịnh có mâu thuẫn với 1 học sinh khác từ trước, nạn nhân được học sinh kia nhờ đến để gặp Thịnh hỏi chuyện.

Hàng loạt vụ việc bạo lực học đường (BLHĐ) xảy ra không dừng ở mức độ lời nói xúc phạm nhau, động tay động chân gây thương tích, trầy da mà nghiêm trọng hơn, trở thành án mạng cướp đi sinh mạng của người khác, đóng lại cánh cổng tương lai rộng mở của những thiếu niên phạm tội.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội từng nhiều lần bày tỏ trăn trở với thực trạng BLHĐ hiện nay không chỉ diễn ra ở những khu vực thành thị mà ở vùng nông thôn cũng ghi nhận không ít.

Theo ông Lâm, hiện chưa có những nghiên cứu chính thức kết luận số lượng và tần suất các vụ BLHĐ thời gian gần đây tăng so với trước đây song con số thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đáng để suy ngẫm. Cụ thể, từ ngày 1/9/2021 đến ngày 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ BLHĐ liên quan đến 2.016 học sinh, trong đó có 854 học sinh là nữ. Bình quân, cứ 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ. “Internet và mạng xã hội phát triển nên một vụ BLHĐ xảy ra ở đâu là cả nước đều có thể biết. Khác với trước đây, sự việc có thể xảy ra trong phạm vi một làng, xã… và thông tin không lan rộng như hiện nay. Song từ số liệu Bộ GDĐT thống kê cho thấy những nhức nhối bởi vấn nạn BLHĐ ảnh hưởng không chỉ đến nạn nhân và người gây ra sự việc, mà chính môi trường học tập chung cũng bị ảnh hưởng. Học sinh có thể cảm thấy bất an trong chính lớp học, ngôi trường của mình. Suy giảm lòng tin của học sinh, phụ huynh” - ông Lâm phân tích.

Cần ngăn chặn bạo lực học đường

ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chỉ ra khó khăn lớn nhất trong việc giải quyết vấn đề BLHĐ đến từ nguyên nhân do ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bạo lực như phim ảnh, sách báo, trò chơi điện tử bạo lực, đồ chơi mang tính bạo lực cả ở ngoài đời thực và trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, những nguyên nhân từ giáo dục của nhà trường còn nặng về kiến thức văn hóa, đôi khi lãng quên đi nhiệm vụ giáo dục con người. Từ phía gia đình, có những phụ huynh ít quan tâm tới con cái, bạo hành gia đình thường xuyên phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng… dễ dẫn đến những tổn thương tâm lý, tình cảm, ảnh hưởng tới nhận thức và hành vi.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), ngành giáo dục hiện nay đã quan tâm đến công tác tư vấn tâm lý. Tuy nhiên, vẫn còn có những hạn chế về mặt đội ngũ nhân lực khi chủ yếu cán bộ tư vấn tâm lý là giáo viên kiêm nhiệm, bộn bề nhiều công tác khác và cũng không thể được tập huấn và cập nhật chuyên môn liên tục như cán bộ chuyên trách.

“Nhà tham vấn tâm lý học đường không chỉ là công việc ngồi tư vấn 1-1 mà còn phải giữ vai trò trung tâm trong việc thiết kế nên ngôi trường hạnh phúc, phải là người có đủ năng lực, được đào tạo bài bản để lập ra được hệ thống các chương trình đánh giá toàn trường và định kỳ. Đồng thời, cán bộ này còn phải có những năng lực khác như triển khai các chương trình, khóa học phòng ngừa; phải có năng lực điều phối tất cả các nguồn lực ở địa phương, cộng đồng… để phục vụ cho quá trình phát triển nhân cách của học sinh” - ông Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng và cần thiết của việc phải có cán bộ tư vấn tâm lý học đường trong nhà trường sẽ góp phần giải quyết vấn nạn BLHĐ hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 02 về việc tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong phòng, chống bạo lực học đường. Chỉ thị nêu rõ trong thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành, các tổ chức đoàn, hội… cùng vào cuộc phối hợp để tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn bạo lực học đường: Tăng cường giáo dục pháp luật cho học sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO