Sức khỏe

Ngăn chặn bệnh sởi bùng phát

THANH MAI 24/06/2024 06:57

Thời gian gần đây, TPHCM và các tỉnh, thành khu vực phía Nam ghi nhận sự quay trở lại của bệnh sởi. Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng đang thấp tạo nên nguy cơ bùng phát bệnh lớn…

anh-bai-dichsoi-21-6.jpg
Nếu chưa được tiêm phòng, sởi rất dễ gây ra biến chứng cho trẻ.

Mở rộng đối tượng tiêm chủng

BS Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM) cho biết, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận điều trị cho 8 ca mắc sởi. Hầu hết các trẻ mắc sởi có biến chứng nặng do có bệnh nền như teo đường mật bẩm sinh, viêm phổi, xuất huyết giảm tiểu cầu. Đáng chú ý, tất cả các bệnh nhi này đều chưa được tiêm phòng vaccine sởi do chưa đến tuổi hoặc phụ huynh chưa cho đi tiêm.

Tương tự, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng tiếp nhận điều trị cho 14 trường hợp trẻ em mắc bệnh sởi. Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM Nguyễn Minh Tiến cho biết, tình trạng trẻ mắc sởi bắt đầu xuất hiện trong những tuần gần đây, dự báo sắp tới số ca bệnh có nguy cơ tăng lên bởi sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh.

Về nguy cơ lây lan dịch sởi, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM thông tin, từ đầu năm 2024 đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận 317 trường hợp sốt phát ban nghi sởi xuất hiện tại 19/20 tỉnh, thành.

Trong đó, đã có một trường hợp tử vong tại tỉnh Bến Tre. Việc bệnh sởi xuất hiện trở lại là điều đáng lo ngại, cần có những biện pháp mạnh mẽ và nhanh chóng hơn để tránh dịch lây lan, chúng tôi đề xuất phương án mở rộng độ tuổi, đối tượng được tiêm chủng vaccine.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi

Theo TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích - phụ trách chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp, có thể bùng phát thành dịch, do virus Morbili gây ra.

Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vaccine phòng sởi. Biểu hiện đặc trưng của bệnh sởi là sốt, viêm long và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm giác mạc gây mù lòa, viêm tai giữa gây điếc, viêm não, tử vong.

Ngoài các triệu chứng sốt cao, ho khan, viêm đường hô hấp, viêm kết mạc mắt, bệnh sởi còn nổi ban trên da. Đây là dấu hiệu bệnh rất đặc trưng, nhưng chỉ xuất hiện từ giai đoạn bệnh toàn phát và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh có ban da khác như rubella, phát ban mùa xuân, tay chân miệng, sốt mò...

Khi hết giai đoạn khởi phát, sau khi sốt cao 3-4 ngày, bệnh vào giai đoạn toàn phát, bắt đầu phát ban, còn gọi là mọc sởi. Ban thường xuất hiện theo trình tự từ trên xuống dưới, bắt đầu nổi từ sau tai, gáy lan tới trán, má và toàn bộ đầu, mặt, cổ trong ngày đầu tiên. Ngày thứ hai ban mọc đến tay, bụng, đùi. Ngày thứ ba ban mọc đến hai chi dưới, lòng bàn chân.

Đặc điểm ban sởi là không ngứa, dạng dát sẩn, hơi nổi gờ, màu đỏ tía, sờ mịn, hình tròn hay bầu dục, kết thành đám tròn 3-6 mm. Xen kẽ giữa các mảng ban sởi có các mảng da lành. Ban kéo dài khoảng 6 ngày.

Khi ban nổi khắp toàn thân, bệnh vào giai đoạn hồi phục, bắt đầu giảm sốt và dần hết ban tuần tự giống khi mọc. Lúc này nếu không có biến chứng, bệnh tự khỏi. Nốt ban nhạt dần, chuyển sang màu xám, bong vảy phấn, có thể để lại vết thâm. Những chỗ da thâm đen hình thành sau khi ban đỏ giảm màu sắc và chỗ da bình thường tạo nên màu da loang lổ gọi là dấu hiệu "vằn da hổ" - dấu hiệu nổi bật để chẩn đoán bệnh sởi.

Theo BS Bích, ngoài ban trên da, người bệnh có thể nổi nội ban (gọi là hạt Koplick), ở thời kỳ bệnh toàn phát. Ban là các hạt trắng, nhỏ 0,5-1 mm như đầu đinh ghim, có quầng ban đỏ xung quanh, mọc ở niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm). Các hạt Koplick thường tồn tại 24-48 giờ. Đây là dấu hiệu giúp chẩn đoán sởi sớm và chắc chắn. Nếu mắc sởi nặng (thể ác tính), người bệnh có thể bị tím tái da, xuất huyết dưới da ở cuối giai đoạn khởi phát, trước lúc mọc ban. Cùng lúc sẽ có các dấu hiệu như sốt cao đột ngột 39-41 độ C, vật vã, mê sảng, hôn mê, co giật, mạch nhanh, nôn, tiêu chảy... Lúc này, người bệnh cần nhập viện để được điều trị ngay.

Cần tiêm vaccine sởi đầy đủ

Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sự gián đoạn vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng nên tỷ lệ tiêm chủng các loại vaccine nói chung và vaccine sởi nói riêng tại địa phương này trong những năm gần đây ở mức thấp.

Về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi trong cộng đồng khu vực phía Nam những năm gần đây thấp và không đồng đều. Khảo sát của Viện Pasteur TPHCM cho thấy, năm 2021, tỷ lệ tiêm chủng sởi của khu vực phía Nam chỉ đạt 83,2% mũi sởi đơn và 75,6% mũi sởi tổng hợp (vaccine sởi, quai bị, rubella). Đặc biệt, Bình Dương là địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine sởi rất thấp, chỉ đạt 52%.

Một số địa phương khác như Đồng Tháp, Đồng Nai, Sóc Trăng… cũng có tỷ lệ tiêm chủng dưới 70%. Sang năm 2022 và 2023, tỷ lệ tiêm vaccine sởi ở các tỉnh khu vực phía Nam có tăng lên nhưng tại một số địa phương vẫn chỉ đạt mức thấp. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2024, chỉ có 6 địa phương đạt chỉ tiêu bao phủ vaccine sởi theo quy định của Bộ Y tế.

Lo ngại nguy cơ bệnh sởi sẽ lây lan trong cộng đồng trong thời gian tới, BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TPHCM cho rằng, cần khẩn trương tiêm bù nhanh nhất có thể. Virus sởi lây lan rất nhanh và sẽ tấn công những người chưa được tiêm phòng như trẻ em chưa đủ tháng để tiêm, những người không thể tiêm phòng như trẻ bị bệnh tim, trẻ mắc bệnh mạn tính.

Khi tiêm phòng không đúng, không đủ thì chỉ cần một vài ca bệnh thì nguy cơ sẽ lây lan thành dịch. Bác sĩ Khanh khuyến cáo phụ huynh tiêm vaccine sởi đầy đủ cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên. Khi được tiêm đủ hai mũi vaccine phòng sởi, trẻ có khả năng miễn dịch đến 99%.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, lây từ người sang người qua đường hô hấp. Trẻ mắc bệnh thường có biểu hiện sốt, viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa và mắt kèm, nổi ban đặc trưng. Nếu chưa được tiêm phòng, sởi rất dễ gây ra biến chứng cho trẻ như viêm phổi, viêm đường hô hấp, viêm não, thậm chí ảnh hưởng tính mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn bệnh sởi bùng phát