Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tới hơn 97% trong tổng số doanh nghiệp nước ta, dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng nằm ở nhiều luật khác nhau. Vì thế, phần lớn DNNVV chưa tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ. Để khắc phục, Chính phủ đã xây dựng Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV hiện đang được lấy ý kiến. Trao đổi với ĐĐK, ông Tô Hoài Nam-Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV cho rằng, muốn hạn chế cơ chế xin cho thì phải cho doanh nghiệp tư nhân và DNNVV công cụ để bảo vệ mình.
Ông Tô Hoài Nam.
PV: Theo ông, hiện đâu là những rào cản còn tồn tại để hệ thống pháp luật còn nhiều điểm chưa tạo lợi ích cho doanh nghiệp? Hiện Chính phủ đang soạn thảo Luật hỗ trợ DNNVV, ông nhận định sao về luật này?
Ông Tô Hoài Nam: Hiện nay, các chính sách hỗ trợ cho DNNVV rất nhiều nhưng nằm tản mát, chính vì thế không tạo được việc tổ chức, hỗ trợ tốt. Nhiều mặt chính sách tuy có hỗ trợ cho DNNVV nhưng không quy định cụ thể chính vì thế có nhiều khe hở. Thực chất các doanh nghiệp lớn họ được thụ hưởng chứ DNNVV không thụ hưởng được.
Do đó tôi thấy luật lần này hệ thống lại các chính sách hỗ trợ cho DNNVV trong bối cảnh nước ta nguồn lực yếu nên phải hệ thống lại để tập trung vào các mũi nhọn chứ không tràn lan như trước. Thứ hai qua đó quy định những điều luật để ngăn chặn những hạn chế mà trước đây DNNVV không tiếp cận được với chính sách.
Hiện còn nhiều ý kiến khác nhau, nghe luật có vẻ hỗ trợ cho một đối tượng tưởng là không công bằng, vậy tại sao không hỗ trợ cho các đối tượng khác theo luật doanh nghiệp nhưng thực chất nó là lấy lại sự công bằng, lấy lại sự bình đẳng giữa DNNVV với doanh nghiệp nhà nước, giữa tư nhân và doanh nghiệp FDI.
Nội dung hỗ trợ có 3 vấn đề quan trọng. Một là hỗ trợ cho khu vực phi chính thức sang chính thức, nó sẽ tạo nên một môi trường kinh doanh bền vững hơn, người lao động được lương cao hơn, độ che phủ bảo hiểm lớn hơn.
Tất cả điều đó sẽ tạo nên hiệu ứng tác động tích cực lên nhiều mặt của xã hội chứ không đơn thuần của doanh nghiệp nữa. Thứ hai là hỗ trợ cho sáng tạo và khởi nghiệp, mà thực chất là hỗ trợ cho sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm lên. Thứ ba là hỗ trợ cho liên kết, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ và nông nghiệp.
Thưa ông, thời gian qua nhiều DNNVV chưa được tiếp cận với đất đai mà chỉ có một vài doanh nghiệp lớn, vậy làm sao để DNNVV có tiếp cận được?
DNNVV không vào được khu công nghiệp vì không đủ chi phí. Nhưng nhìn xa ra nếu không cho vào khu công nghiệp tập trung, nằm trong dân thì còn nguy hiểm hơn, lúc đó nhà nước còn mất nhiều tiền hơn là hỗ trợ để doanh nghiệp vào một khu công nghiệp. Vì vấn đề khắc phục môi trường còn tốn bằng vạn lần tổ chức một khu công nghiệp cho nó.
Vì vậy đưa đất cho DNNVV vào khu công nghiệp phải xác định là chi phí rẻ nhất, chi phí này nhà nước không chi thì 20 năm nữa số tiền bỏ ra để khắc phục hậu quả môi trường còn gấp nhiều lần, chưa nói tác động đến môi trường sống của con người. Vì chi phí tuân thủ họ không tuân thủ được pháp luật về môi trường tại các khu đất mà họ ở.
Nếu họ đóng cửa thì người công nhân không có việc làm. Còn cho họ sản xuất như thế thì sau này khắc phục hậu quả môi trường còn gấp nhiều lần đầu tư cho họ một khu để họ vừa tập trung sản xuất và ở trong đó.
Như thế vừa tháo gỡ cho doanh nghiệp mà còn kinh tế hơn. Chúng ta tính dự kiến sẽ mất 9.388 tỷ đồng, nhưng thực tế nguồn thu của doanh nghiệp khi thành lập thêm 500 nghìn doanh nghiệp mới nữa thì nguồn thu rất lớn, có thể thu được 65 ngàn tỷ đồng là thấp nhất, chưa kể che phủ kín bảo hiểm xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng không chỉ mình luật này ra đời mà cần nhiều hệ thống pháp luật khác mới đồng bộ để giúp cho doanh nghiệp. Ông nghĩ sao?
Giải quyết hết các vấn đề thì mình luật này chưa giải quyết hết được, nhưng có luật này thì có cơ sở để cho DNNVV víu vào, dựa vào đấy để thực hiện quyền của mình là việc được phục vụ.
Chính phủ đã đi được một bước rất dài chuyển từ đồng hành sang phục vụ thì phải có luật này. Khi DNNVV đã là đối tượng được phục vụ, họ có quyền đòi quyền lợi của họ, cho họ có quyền được đòi cái quyền của họ chứ ngày nào còn cơ chế xin cho thì khó cải thiện tình hình. Và tôi tin rằng ra được luật này, tình hình sẽ được cải thiện.
Hiện doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, sức ép khi vẫn còn cơ chế xin cho, tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp. Nếu chúng ta không tháo gỡ khó khăn này thì mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là khó khả thi, thưa ông?
Một khi trong môi trường kinh doanh mà còn áp dụng nhiều mối quan hệ trực tiếp, quy định không rõ ràng thì doanh nghiệp vẫn phải xin phép cơ quan chính quyền thì sẽ nảy sinh ra cơ chế xin cho.
Nếu ta áp dụng công nghệ thông tin vào việc xử lý các thủ tục hành chính, đặc biệt là dịch vụ công thì đương nhiên chi phí không chính thức sẽ ít đi. Bây giờ muốn hạn chế thì phải cho doanh nghiệp tư nhân và DNNVV công cụ để bảo vệ mình.
Tức là tôi không xin anh mà anh phải cho tôi vì luật đã quy định. Có luật thì người ta mới đòi được quyền đó, và không phải chi những chi phí không chính thức. Riêng điều đó thôi đã đáng để làm trong bối cảnh hiện nay.
Trân trọng cảm ơn ông!