Ở thời điểm nhiều tháng sau khi phong trào chống rác thải nhựa được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) khởi xướng; cấp ủy, chính quyền các tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, tổ chức đoàn thể, địa phương phát động, tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV báo Đại Đoàn Kết, việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, đặc biệt là túi nylon ở các tỉnh khu vực Nam đồng bằng sông Hồng vẫn tràn lan, không có nhiều thay đổi...
Nhiều nơi vẫn xử lý rác thải theo phương pháp thủ công, gây ô nhiễm môi trường.
Vẫn là rác... hỗn hợp
Như thường lệ, ngày Chủ nhật đầu tháng 7 vừa qua, khi con cháu từ thành phố về thăm, bà Vũ Thị Quý (xóm 5, thôn Bái Dương, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, Nam Định) lại đạp xe lên chợ Chùa (thị trấn Nam Giang) mua thực phẩm về làm cơm cho con cháu. Chỉ có con vịt, ít măng cùng một ít rau thơm và một số gia vị khác nhưng bà về nhà với lủng lẳng mấy chiếc túi nylon đựng đồ, túi thì đựng con vịt, túi đựng măng, túi đựng rau thơm, túi gia vị…
Trong bữa cơm, tủ lạnh hết đá, một đứa cháu của bà Quý lại được sai đi mua đá. Lát sau, cậu bé cũng lại xách về một chiếc túi nylon đựng đá. Sau bữa cơm, toàn bộ “rác thải” của bữa ăn gồm túi nylon, lon bia, lông, xương vịt, thức ăn thừa cùng đủ thứ rác khác sau khi dọn nhà được con cháu bà Quý gom hết vào một chiếc thùng để ở đầu ngõ.
Đến chiều tối, chị Phu, thành viên Tổ thu gom rác của xóm tới nhà, thu gom chỗ rác “hỗn hợp” trên của nhà bà Quý và của các gia đình khác trong xóm, đưa xuống bãi chôn lấp của xã nằm ở cánh đồng Sẫy. Chị Phu cho biết, hôm nay trong xóm không có nhà nào có cỗ bàn nên rác, túi nylon cũng ít hơn. Hôm nào trong xóm “có đám”, thì như lời chị Phu: “túi nylon chất cao cả đống”.
Cũng theo chị Phu, ở đây người dân hoàn toàn chưa có thói quen phân loại rác ngay tại nhà, theo đó những gì được gọi là rác bà con đều bỏ chung vào thùng, vào bao. Chị Phu cũng không biết làm thêm gì khác ngoài việc chất rác trên lên xe, đẩy xuống đổ ở bãi rác chung của xã. Đến nay, ngoài biện pháp chôn lấp, xã Nam Dương chưa có biện pháp nào khác để phân loại, xử lý rác triệt để hơn.
Trên các cánh đồng hoa màu của các xã Nam Dương, Nam Hồng, Nam Hoa, Nam Hùng... của huyện Nam Trực, theo ghi nhận của PV, sản phẩm nhựa được nông dân địa phương sử dụng rất nhiều trong các khâu sản xuất. Chẳng hạn, các giàn leo cho các loại cây leo, cây dựa (dưa, đỗ bí, cà chua...) đều được bà con chằng buộc bằng dây nhựa; trên mặt ruộng, để giữ độ ẩm bà con cũng dùng bạt nylon mỏng để phủ kín; xung quanh ruộng cũng được bao kín bằng bạt nylon để ngăn chặn chuột. Nhiều tấm nylon dùng xong chưa kịp thu gom nằm vương vãi trên đồng ruộng...
Tại thành phố Nam Định, tình trạng sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, đặc biệt là túi nylon của người dân cũng không có gì thay đổi, vẫn phổ biến, tràn lan. Tại một số chợ lớn của thành phố như chợ Rồng, chợ Năng Tĩnh, chợ Văn Miếu, chợ Cửa Trường, chợ Đồng Tháp..., không một ai đến chợ mua hàng mà không ra về với từ một đến vài chiếc túi nylon đựng đồ, nhỏ như quả chanh, quả ớt đến bó rau muống, con cá, miếng thịt cũng đều được đựng trong túi nylon. Giống như các vùng nông thôn trong tỉnh, đến nay, biện pháp xử lý rác của thành phố Nam Định cũng chỉ là thu gom rác tổng hợp từ các gia đình rồi đưa lên chôn lấp tại bãi rác khổng lồ nằm ở làng Man, xã ngoại thành Lộc Hòa...
Mới chỉ tập trung tuyên truyền
Tìm hiểu việc tham gia chống tác hại của rác thải nhựa của Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định, chúng tôi được biết, những năm qua phong trào phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường góp phần đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới trong cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh phát triển khá mạnh, hiệu quả. Trong đó, phong trào “5 không, 3 sạch” (3 sạch gồm sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) được phát động, triển khai tại hầu hết các chi hội phụ nữ trong tỉnh. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Định- Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh, phụ nữ trong tỉnh mới chỉ làm tốt việc vệ sinh nhà cửa, xóm làng, khu phố; thu gom rác; trồng hoa, cây xanh ven đường. Riêng việc phân loại rác ngay tại hộ gia đình chưa được thực hiện nhiều; việc sử dụng sản phẩm đồ nhựa dùng một lần, nhất là túi nylon thì vẫn còn rất phổ biến.
Kể từ khi UBND tỉnh Nam Định ra văn bản chỉ đạo thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa” đến nay, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh mới chỉ tập trung thực hiện việc tuyên truyền tới cán bộ, hội viên về tác hại của rác thải nhựa; phát động cán bộ, hội viên hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nylon. Ngoài ra, Hội mới xây dựng được một mô hình điểm “Chi hội phụ nữ chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường” tại xóm 8, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), làm cơ sở rút kinh nghiệm, nhân rộng.
Theo đó, tại buổi ra mắt mô hình (22/4/2019), ngoài việc được cán bộ Sở TNMT tỉnh thông tin về tác hại của rác thải nhựa, mỗi hội viên phụ nữ xã Mỹ Thắng tham dự được Hội Phụ nữ tỉnh tặng một chiếc làn nhựa để dùng đi chợ, với mong muốn chị em thay đổi thói quen sử dụng túi nylon. Tương tự như vậy, tại tỉnh Ninh Bình, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết được sự chỉ đạo, hướng dẫn của Hội Phụ nữ tỉnh, Sở TNMT, tại các xã biển Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung (huyện Kim Sơn), mô hình điểm CLB “Phụ nữ với phong trào chống rác thải nhựa” cũng đã được thành lập. Tuy nhiên, nội dung sinh hoạt chính của các CLB này cũng mới chỉ dừng lại ở việc thông tin, tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa. Những chuyển biến trong thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, sử dụng túi nylon vẫn chưa có nhiều...
* “Tín hiệu vui” chúng tôi ghi nhận được từ mô hình xử lý rác thải đang được Công ty CP Thương mại Thành Đạt thực hiện tại huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình). Tháng 6/2016, sau khi nghiên cứu, chế tạo thành công công nghệ, thiết bị xử lý rác không bằng cách đốt, cũng không bằng cách chôn, Công ty Thành Đạt đã đầu tư 29 tỷ đồng xây dựng nhà máy xử lý rác trên diện tích 17.000 m2 đất tại thị trấn Quỳnh Côi. Từ đó đến nay, rác thải của 18 xã thuộc hai huyện Quỳnh Phụ, Đông Hưng (khoảng 50 tấn/ngày) được nhà máy xử lý theo quy trình: Phân loại rác hữu cơ và vô cơ, chất thải rắn. Rác hữu cơ sau đó được xử lý thành phân vi sinh. Đặc biệt, tại đây các loại rác là sản phẩm nhựa, túi nylon sẽ được tái chế thành hạt nhựa cung cấp lại cho các nhà máy chế biến. Rất tiếc những mô hình như thế này hiện chưa có nhiều!
(Còn nữa)