Ngăn chặn sốt xuất huyết bùng phát

Đức Trân 15/08/2023 06:28

Từ đầu năm tới nay, trên phạm vi cả nước ghi nhận 57.295 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 13 trường hợp tử vong tại 8 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, Hà Nội ghi nhận số ca mắc tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước.

Phun hóa chất diệt muỗi phòng sốt xuất huyết ở Hà Nội.

Số ca mắc và nhập viện điều trị tăng mạnh

Sáng 14/8, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 4 đến 11/8), thành phố đã ghi nhận 762 ca mắc SXH tại 29 quận, huyện, thị xã tăng 121 ca so với tuần trước đó.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 3.512 ca mắc SXH tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022 nhưng chưa ghi nhận ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 440/579 xã, phường, thị trấn.

Ghi nhận tại một số bệnh viện trên địa bàn Thủ đô đều cho thấy sự gia tăng mạnh của các bệnh nhân nhập viện vì SXH. Tại Bệnh viện Bưu Điện, từ 2 tuần trở lại đây, mỗi ngày trung bình có từ 20 - 30 người tới khám mắc SXH, trong đó có 20% bệnh nhân sẽ nhập viện điều trị. Đây là con số gia tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Khoa Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện E mỗi ngày có khoảng 70 người vào khám, trong đó 1/3 bệnh nhân mắc SXH. Ngoài việc mỗi ngày ghi nhận ca mắc gia tăng với vài chục bệnh nhân nằm nội trú, bệnh viện còn ghi nhận nhiều ca mắc sống cùng khu dân cư hoặc cùng gia đình.

Còn tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương), tính từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 120 trẻ mắc SXH đến khám và điều trị. Trong đó có hơn 50 bệnh nhi nhập viện có dấu hiệu cảnh báo, trẻ nhập viện điều trị SXH rất đa dạng về độ tuổi, may mắn hiện chưa có trường hợp tử vong.

Nguy cơ tử vong cao

Một trong những bệnh nhân nặng nhất tính đến thời điểm hiện tại, điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) là bé trai V.H. (8 tuổi, ở Hà Nội). Trẻ có tiền sử mắc SXH cách đây 4 năm. Ngày 16/7/2023, trẻ xuất hiện tình trạng sốt cao 39-40 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt, đau mỏi người, nôn nhiều, đau bụng, đau đầu, ăn uống kém, gia đình cho trẻ vào bệnh viện khám và nhập viện điều trị.

Thời điểm nhập viện, trẻ sốt cao liên tục, có chấm SXH vùng mặt, nhưng sau đó xuất hiện mạch nhanh, khó bắt, huyết áp tụt, tiểu cầu giảm, men gan tăng… các bác sĩ đã tiến hành điều trị cho trẻ theo phác đồ của Bộ Y tế về SXH Dengue nặng. Hiện tại sau khi điều trị, toàn trạng trẻ ổn định và được ra viện sau 10 ngày điều trị.

Trao đổi xung quanh diễn biến bất thường của dịch SXH, BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, nếu như trước đây, chu kỳ bùng phát của SXH tại nước ta là 4-5 năm một lần thì hiện nay, với sự biến động của thời tiết, quy luật này đã phá vỡ.

“Thời tiết năm nay nắng mưa rất thất thường, miền Bắc vừa đón những ngày mưa kéo dài và có nhiệt độ trung bình cao làm môi trường sống của muỗi gây SXH phát triển nên khả năng cao bùng phát dịch tại miền Bắc là điều dễ xảy ra” – BS Cấp cho biết.

Chuyên gia này cũng cho biết thêm, hầu hết các trường hợp mắc SXH có thể được điều trị tại nhà và khỏi bệnh sau 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể chuyển sang thể nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng.

“Theo các thống kê thì luôn có một tỷ lệ nhất định các bệnh nhân SXH nặng có nguy cơ tử vong. Bệnh nhân tử vong do SXH nặng thường là do giảm tiểu cầu trong máu ngoại biên, nhiễm trùng huyết, suy đa tạng… SXH nặng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi gan và tim, huyết áp giảm đến mức nguy hiểm gây sốc và trong một số trường hợp dẫn tới tử vong. Nhiễm trùng máu và suy đa tạng là những biến chứng rất nguy hiểm gây tử vong ở các trẻ mắc SXH. Khi các trẻ gặp biến chứng suy đa tạng thì cần được lọc máu cấp cứu ngay lập tức. Thực tế, những bệnh nhân SXH được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đa phần là bệnh nhân nặng được chuyển từ tuyến dưới và là những bệnh nhân có bệnh nền sẵn. Vì vậy, không nên chủ quan với căn bệnh này, nhất là trẻ em, người có bệnh lý nền, người già, phụ nữ mang thai” – BS Cấp chia sẻ.

Trước tình hình dịch bệnh SXH đang gia tăng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tập trung thành lập ngay đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, giám sát, hỗ trợ TP Hà Nội về chuyên môn kỹ thuật phòng, chống SXH. Đồng thời, phân tích, đánh giá tình hình, nguyên nhân gia tăng SXH tại Hà Nội và chủ động tham mưu Bộ Y tế trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài.

Để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã chỉ đạo triển khai các hoạt động cao điểm chủ động phòng, chống SXH trong tháng 8 và 9/2023, bao gồm: Thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy quy mô xã, phường, thị trấn vùng nguy cơ cao; phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại những nơi có nguy cơ cao, phun diện rộng tại các xã, phường, thị trấn có ổ dịch phức tạp. Mặt khác, tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh SXH. Đặc biệt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội yêu cầu 100% các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch phải được giám sát côn trùng để đánh giá nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng, chống phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn sốt xuất huyết bùng phát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO