Xã hội

Ngăn chặn trục lợi bảo hiểm thất nghiệp

Lê Bảo 25/01/2024 09:49

Bảo hiểm thất nghiệp bắt đầu được triển khai thực hiện từ đầu năm 2009. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm, bình quân hằng năm tăng 14,3%.

anh-bai-tren(3).jpg
Người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: L.Hương.

Từ năm 2015 đến nay, số đối tượng tham gia và được thụ hưởng các chế độ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không ngừng tăng qua các năm, tính đến cuối năm 2022, có 14,3 triệu người lao động tham gia BHTN. Mức độ bao phủ của BHTN trên lực lượng lao động trong độ tuổi chiếm khoảng 31,18%. Đối tượng bao phủ tăng kéo theo số người hưởng cũng tăng theo.

Tuy nhiên, cùng với gia tăng số người hưởng BHTN thì tình trạng trục lợi BHTN cũng trở lên phổ biến mà điển hình là việc nhiều người lao động (NLĐ) vừa có việc làm mới vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp mà không tự động khai báo. Bên cạnh đó là tình trạng lao động chủ động xin nghỉ việc để đăng ký hưởng BHTN hoặc có hiện tượng NLĐ di chuyển từ doanh nghiệp (DN) này sang DN khác, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, họ lại quay về chỗ cũ.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, những năm qua, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHTN vẫn còn xảy ra ở một số địa phương. Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc cân đối thu - chi quỹ BHXH, BHTN, tính tuân thủ pháp luật bị ảnh hưởng.

Về lạm dụng, trục lợi quỹ BHTN, phổ biến là việc NLĐ mất việc được nhận trợ cấp thất nghiệp hằng tháng, nhưng khi có việc làm mới không khai báo với trung tâm dịch vụ việc làm để dừng trợ cấp, mà vẫn nhận khoản trợ cấp. Năm 2021, cơ quan BHXH phát hiện và phải thu hồi số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp sai của hơn 22.500 trường hợp với số tiền gần 62 tỷ đồng; năm 2020 phải thu hồi hơn 11.700 trường hợp với số tiền gần 62 tỷ đồng; trong 5 tháng đầu năm 2023 phát hiện hơn 2.800 trường hợp hưởng sai, phải thu hồi số tiền hơn 15 tỷ đồng. Tính từ năm 2021 tới cuối tháng 5/2023, số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp sai còn phải thu hồi lên tới hơn 25 tỷ đồng.

Cử tri Hải Phòng phản ánh, tại Điều 50 Luật Việc làm, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN. Cụ thể, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp; sau đó cứ đóng thêm đủ 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng trục lợi quỹ BHTN ngày càng trở nên phổ biến. Đặc biệt, nhiều NLĐ chủ động xin nghỉ việc hoặc có hiện tượng NLĐ chuyển từ DN này sang DN khác, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn lại quay về DN cũ để đăng ký hưởng BHTN. Vì vậy, cử tri kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, bổ sung quy định về trách nhiệm của NLĐ và người sử dụng lao động để hạn chế việc trục lợi hưởng BHTN.

Liên quan kiến nghị trên, trong quá trình tổ chức triển khai chính sách BHTN, Bộ LĐTBXH cho biết thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về BHTN; yêu cầu Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết khó khăn, vướng mắc về BHTN, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, gian lận, trục lợi BHTN.

Thông qua thanh tra, kiểm tra và báo cáo của địa phương, cũng có trường hợp NLĐ làm việc 12 tháng lại nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp 3 tháng nhưng không nhiều và không phổ biến. Thực tế, NLĐ phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định Điều 49 Luật Việc làm thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng NLĐ phải thông báo tình hình tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm.

Mặt khác, nếu NLĐ nghỉ việc cũng mất toàn bộ 100% tiền lương (chưa kể cả khoản tiền thưởng, phụ cấp…) chỉ để hưởng 60% tiền lương. Nếu so sánh lợi ích thì NLĐ sẽ thấy việc hưởng trợ cấp thất nghiệp là việc làm không đúng đắn. Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH cũng tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của NLĐ và người sử dụng lao động về BHTN để hạn chế trục lợi.

Thời gian qua, để ngăn chặn tình trạng trục lợi BHTN, nhiều giải pháp đã được đề xuất, trong đó việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chính sách BHTN là vô cùng cần thiết, thông qua công cụ này sẽ giúp hạn chế trục lợi, gian lận. Đặc biệt, các quy định về BHTN được kiến nghị cần phải sửa đổi chặt chẽ hơn. Ở góc độ cơ quan triển khai thực hiện chính sách BHTN, qua quá trình trao đổi và trực tiếp lắng nghe tiếng nói của NLĐ, bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, đa số NLĐ nhầm lẫn khái niệm có việc làm, đa số đều cho rằng, bắt đầu được tham gia đóng BHXH, BHTN mới bị cắt hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc do NLĐ cũng chưa có sự trao đổi cụ thể rõ ràng với DN về nội dung và hiệu lực của hợp đồng lao động. Ngoài ra, do nhu cầu có việc làm nên dù chưa được ký kết hợp đồng lao động, NLĐ vẫn đi làm và hưởng lương, dẫn đến tình trạng không xác định được chính xác ngày có việc làm theo hợp đồng lao động…Chính vì vậy, để giải pháp tình trạng này bên cạnh thanh tra cần tăng cường truyền thông cho NLĐ cũng như DN nắm rõ hơn về các quy định từ đó NLĐ không vi phạm các chính sách về BHTN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn trục lợi bảo hiểm thất nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO