Sức khỏe

“Ngân hàng” đặc biệt của trẻ sơ sinh

Tiến Đạt 23/01/2024 15:36

Với mong muốn cung cấp sữa thanh trùng đảm bảo an toàn và chất lượng cho trẻ sơ sinh khi chưa tiếp cận được sữa mẹ đẻ, ThS Lê Thị Thùy Trang - Phó phòng Điều dưỡng (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) cùng cộng sự đã nghiên cứu, triển khai công trình khoa học: Ứng dụng, phát triển mô hình “Ngân hàng sữa mẹ” lan tỏa giúp nâng cao chất lượng, thể chất toàn diện cho thế hệ người Quảng Ninh từ khi sinh ra.

duoi(1).jpg
Mô hình “Ngân hàng sữa mẹ” tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh giúp những trẻ sơ sinh non yếu, bệnh lý được cung cấp sữa mẹ. Ảnh: NVCC.

“Ngân hàng sữa mẹ” Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh là mô hình được thiết lập nhằm tuyển chọn bà mẹ hiến tặng sữa, thu nhận sữa, sau đó xử lý, sàng lọc nhằm loại bỏ những nguy cơ lây truyền bệnh và phân phối sữa để đáp ứng nhu cầu cụ thể của trẻ nhằm đạt được sức khỏe và sự phát triển tối ưu, được xem là một biện pháp thay thế cho sữa công thức đối với những trẻ có nhu cầu đặc biệt nhưng không thể thay thế hoàn toàn sữa mẹ đẻ. Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2020, cho tới nay ngân hàng sữa mẹ Quảng Ninh đã có những kết quả đáng khích lệ. Các chỉ số hoạt động về cung sữa, cầu sữa và chất lượng thanh trùng sữa đều tương đương và vượt so với hai ngân hàng sữa mẹ trước.

Theo ThS Lê Thị Thùy Trang - Chủ nhiệm công trình, mô hình “Ngân hàng sữa mẹ” giúp cung cấp sữa thanh trùng đảm bảo an toàn và chất lượng cho trẻ sơ sinh khi chưa tiếp cận được sữa mẹ đẻ, giúp cho trẻ phòng ngừa bệnh lý viêm ruột hoại tử, nhiễm khuẩn huyết, giảm thời gian phải nuôi dưỡng bằng dịch truyền, giảm thời gian nằm viện, nhờ đó giảm được tỷ lệ tử vong, tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ. "Ngân hàng sữa mẹ" đã đáp ứng được nguyện vọng chia sẻ sữa mẹ của các bà mẹ thiện nguyện trong cộng đồng và đảm bảo nghĩa cử này thực hiện với điều kiện an toàn nhất, đến đúng đối tượng cần được giúp đỡ nhất.

Tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, theo số liệu thống kê có khoảng 2.100 trẻ nằm điều trị/năm tại khoa sơ sinh, trong đó có khoảng 1.200 trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân. Năm 2020, tỷ lệ ngày nằm điều trị trung bình của trẻ sơ sinh non, nhẹ cân tháng là 18-19 ngày, chi phí nằm điều trị trung bình khoảng 1.300.000/1 trẻ/ngày. Nhờ có “Ngân hàng sữa mẹ”, trong năm 2021 số ngày điều trị giảm xuống còn 15 - 16 ngày, giúp tiết kiệm chi phí kinh tế điều trị cho trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân.

Bà Trang cho biết, những kết quả ban đầu cho thấy mô hình “Ngân hàng sữa mẹ” giúp giảm chi phí cho điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn của trẻ sơ sinh và giảm được đề kháng sinh do giảm sử dụng kháng sinh bậc cao, giảm thời gian nuôi ăn tĩnh mạch hoàn toàn nên giảm được các chi phí y tế liên quan và công chăm sóc, giảm thời gian điều trị tại đơn vị hồi sức sơ sinh và sơ sinh nên giảm được quá tải, giảm gánh nặng kinh tế ở những trẻ non tháng bệnh lý có biến chứng muộn khi không được cung cấp dinh dưỡng tối ưu.

“Việc phát triển, mở rộng ứng dụng mô hình Ngân hàng sữa mẹ giúp nâng cao chất lượng, thể chất toàn diện cho thế hệ người Quảng Ninh từ khi sinh ra, mang lại giá trị nhân văn "Mẹ sinh ra 1 bé nhưng mẹ có thể làm mẹ của nhiều em bé", giúp những trẻ sơ sinh không mẹ được hưởng sữa, mẹ bị bệnh vẫn có thể nuôi con bằng sữa mẹ” - bà Trang cho hay.

Với tính ứng dụng cao, “Ứng dụng, phát triển mô hình “Ngân hàng sữa mẹ” lan tỏa giúp nâng cao chất lượng, thể chất toàn diện cho thế hệ người Quảng Ninh từ khi sinh ra” của ThS Lê Thị Thùy Trang cùng cộng sự đã được vinh danh trong danh sách các công trình, giải pháp khoa học công nghệ của Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Ngân hàng” đặc biệt của trẻ sơ sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO