Sáng 20/7, tại buổi họp báo công tác tư pháp Quý II/2017, liên quan đến việc người dân mua phương tiện giao thông trả góp bị CSGT phạt vì không có giấy tờ gốc (do phải thế chấp ở ngân hàng), Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn khẳng định: Đây không phải là xung đột pháp luật, mà chỉ là pháp luật chưa thống nhất.
Ảnh minh họa.
Không được “thêm” quy định
Theo Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển, vừa qua ngành tư pháp của cả Trung ương và các địa phương đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra và phát hiện một số vi phạm có liên quan đến công chứng, chứng thực bản sao giấy tờ gốc, đẻ thêm thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân... Đặc biệt, ở một số địa phương đã ra văn bản bắt buộc người dân hoặc “yêu cầu tự nguyện” nộp phạt khi đi đăng ký khai sinh đứa con thứ 3.
Ông Hiển khẳng định, quan điểm của Bộ Tư pháp – với chức năng quản lý nhà nước về các văn bản quy phạm pháp luật là việc một số địa phương ra văn bản bắt buộc hoặc yêu cầu tự nguyện nộp phạt khi đi khai sinh cho đứa con thứ 3 là trái pháp luật. “Dù các địa phương viện lý do đây là chủ trương của địa phương nhằm hạn chế việc sinh con thứ 3, song như vậy là trái với các quy định của pháp luật. Chúng tôi đã yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ ngay các quy định trên, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân khi đi đăng ký khai sinh cho trẻ...”- Người phát ngôn Bộ Tư pháp khẳng định.
Chờ ý kiến Thủ tướng
Trước câu hỏi của hàng loạt các cơ quan báo chí xoay quanh vấn đề hiện người dân đang bị CSGT phạt oan vì không xuất trình được giấy tờ gốc của phương tiện do đã cầm cố ở ngân hàng, ông Đỗ Đức Hiển cho biết, Bộ Tư pháp cũng đã nhận được công văn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc giải quyết vướng mắc cho người dân trong việc vừa phải đảm bảo thế chấp giấy tờ gốc tại ngân hàng, vừa phải đảm bảo trình được giấy tờ gốc cho CSGT là điều không thể thực hiện được.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn, hiện có khoảng 1,3 triệu ô tô đang thực hiện việc thế chấp giấy tờ đăng ký xe tại ngân hàng nên khi bị lực lượng CSGT dừng xe trên đường đều không xuất trình được giấy tờ gốc mà chỉ có bản sao công chứng giấy tờ xe. Ông Sơn cũng khẳng định đây là một bất cập với người dân, song xét theo quy định của pháp luật thì cả ngân hàng và CSGT đều có cái lý riêng của mình.
Ngân hàng đương nhiên là có lý khi họ yêu cầu chủ phương tiện phải nộp giấy tờ gốc, bởi không thể cho vay vốn theo kiểu “thả gà ra đuổi”, khiến phát sinh quá nhiều nợ xấu không thể giải quyết, dẫn tới ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền, khó kiểm soát trong công tác điều hành tiền tệ vĩ mô...
Song, bên cạnh đó thì lực lượng CSGT cũng có lý khi căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 46 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, để xử phạt các chủ phương tiện không xuất trình được giấy tờ gốc. Cũng không phải vô cớ mà có quy định buộc phải xuất trình giấy tờ đăng ký gốc cho CSGT, bởi lẽ rất có thể một người sau khi bán phương tiện cho người khác rồi lại trộm về và sử dụng giấy tờ bản sao thì lực lượng CSGT cũng khó lòng kiểm soát.
Và theo lý giải của ông Đặng Thanh Sơn sở dĩ có sự bất cập trên là do các văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất, đồng bộ, chứ không phải là sự xung đột pháp luật. Tuy nhiên, dù là văn bản pháp luật chưa thống nhất, hay có sự xung đột pháp luật thì cũng chỉ là một cách gọi thuần túy mang tính chuyên môn thôi, bản chất của vấn đề là người dân đang bị làm khó khi vừa phải xuất trình bản gốc giấy tờ xe cho CSGT, nhưng cũng lại không thể không nộp bản gốc khi vay vốn ngân hàng.
Trước bất cập trên, Bộ Tư pháp đã rà soát các quy định của pháp luật để có hướng tháo gỡ giúp người dân tránh bị làm khó bởi các quy định “đúng luật” của các cơ quan chức năng. “Trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành và yêu cầu thực tiễn, Bộ Tư pháp đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này...”- Người phát ngôn Bộ Tư pháp khẳng định.