Việc NHNN điều chỉnh tăng lãi suất điều hành và các mức lãi suất đối với loại tiền gửi dưới 6 tháng sẽ giúp thu hút nguồn tiền gửi, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành các quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành (lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn và lãi suất cho vay qua đêm) và các mức lãi suất đối với loại tiền gửi dưới 6 tháng.
Cụ thể, đơn vị này điều chỉnh tăng thêm 1%/năm đối với lãi suất tiền gửi loại kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng và 0,3%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn đến dưới 1 tháng.
NHNN cũng ban hành quyết định về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, lãi suất tái cấp vốn sau điều chỉnh là 5%, trong khi lãi suất tái chiết khấu là 3,5%/năm.
Việc NHNN điều chỉnh tăng lãi suất điều hành và các mức lãi suất đối với loại tiền gửi dưới 6 tháng ngoài việc thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ của NHNN, còn tác động đến quá trình khai thác và sử dụng vốn của các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp tục thu hút nguồn tiền gửi, để đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Trên thị trường thế giới, dữ liệu của NHNN cho thấy, tính đến nay, có 257 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu (năm 2021 có 113 lượt tăng). Đến 1h30 ngày 22/9, Fed đã tăng 0,75%/năm lãi suất điều hành trong bối cảnh lạm phát Mỹ rất cao (8,3%).
Dự kiến đến cuối năm 2022, Fed sẽ đưa lãi suất mục tiêu lên trên 4% và tiếp tục duy trì mức lãi suất này đến hết năm 2023. Diễn biến lạm phát thế giới và điều hành của Fed gây áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư, dòng vốn rút ra tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi (trong đó có Việt Nam).