Ngân sách và... rượu ngoại

Thuý Hằng (thực hiện) 19/11/2017 05:24

Chúng ta nói xử lý tham nhũng nhưng tài sản tham nhũng thì vẫn không thu hồi được, thế thì khác gì hạ cánh an toàn- nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, TS Lê Đăng Doanh trao đổi với Đại Đoàn Kết về vấn đề tham nhũng, lãng phí và việc cải thiện môi trường kinh doanh.


TS Lê Đăng Doanh.

PV: Thưa ông, gần đây xôn xao dư luận chuyện biệt phủ. Rồi báo cáo công tác quản lý xuất nhập cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2007-2017 cho thấy mỗi năm thành phố có trung bình khoảng 750 lượt người tại đơn vị nhà nước được xét duyệt đi nước ngoài. Nhưng các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và người quản lý doanh nghiệp đi nước ngoài vì mục đích công vụ chỉ chiếm gần 20%. Ông có thể đưa ra quan điểm về vấn đề này?

TS LÊ ĐĂNG DOANH: Việc lãnh đạo đi ra nước ngoài, theo tôi không vì mục đích công vụ là không thể chấp nhận được.

Còn về tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản nhà nước, thưa ông?

-Chúng ta cần có những bước tiến, quy định cụ thể để hạn chế tối đa tình trạng tiêu cực, gây thất thoát. Cụ thể Nhà nước phải quy định rằng tài sản nào là được chấp nhận hợp pháp và tài sản nào không hợp pháp thì kiên quyết thu lại.

Quốc hội vừa rồi có thảo luận và nói rất mạnh về vấn đề xử lý tham nhũng, tài sản công nhưng nói xử lý tham nhũng song tài sản cứ ở lại thì khác gì hạ cánh an toàn. Hay như câu chuyện một ông giám đốc đốc sở với biệt phủ cả nghìn m2, bị chuyển sang vị trí mới là phó chánh văn phòng tỉnh. Dù rằng rời khỏi vị trí giám đốc sở tài nguyên là mất đi mảnh đất màu mỡ nhưng vẫn là cách xử lý không triệt để.

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, do việc quản lý chi ngân sách lỏng lẻo nên dẫn đến việc “con voi chui lọt lỗ kim”. Dữ liệu mới nhất từ Bộ Tài chính cũng cho biết, 10 tháng năm 2017 chi ngân sách thường xuyên lại tăng 6,7%. Việc tái cơ cấu lại chi thường xuyên là cấp bách?

-Đúng vậy, việc tái cơ cấu lại chi thường xuyên là vấn đề rất cấp bách, kỷ luật ngân sách cũng phải được siết lại nghiêm ngặt.

Như bạn thấy đấy, khi Tổng thống Mỹ Donal Trump đến Nhật Bản, Thủ tướng Sinro Abe mời ăn trưa là bánh mỳ kẹp thịt, mỗi người chỉ 1 đến 2 cái. Hay như tại chính Nhật Bản, Thụy Điển nghiêm cấm sử dụng rượu ngoại, trong các bữa tiệc sang trọng cũng chỉ có rượu Sake mà thôi. Chúng ta phải chân thành học hỏi họ. Chúng ta phải loại bỏ hình thức lợi dụng vốn ngân sách để mua rượu ngoại. Chưa kể còn đang có tình trạng không có vốn ngân sách thìcác lãnh đạo lại điện thoại cho một doanh nghiệp nào đó. Có một doanh nghiệp nói với tôi rằng, vì nghề của họ nên họ để điện thoại 24/24h, rồi gần nửa đêm có một cú điện thoại gọi đến và cú điện thoại đó rất đắt tiền. Bạn hiểu ngầm ý của doanh nghiệp, đúng không?

Thưa ông, tôi muốn hỏi một chuyện nữa, đó là việc Chính phủ muốn nới trần nợ công. Là chuyên gia nghiên cứu về vấn đề nợ công, quan điểm của ông đồng tình hay không đồng tình?

-Việc nới trần nợ công hay không,việc đó phụ thuộc vào khả năng trả nợ được hay không. Như ở Nhật Bản, nợ công của họ lên đến 200% nhưng đó là nợ trong nước. Và do nợ trong nước vay rẻ nên không vấn đề gì.

Còn ở Việt Nam, nợ trong nước riêng khoản tiền chi ra mua trái phiếu đã có lãi suất cao rồi. Vay nợ mới thì không thể trả nổi nợ mới mà vay nợ mới để trả nợ cũ, và 1 phần vốn của nợ mới mà thôi nên nợ công tăng lên rất nhanh. Tốc độ tăng nợ công cao hơn nhiều lần với tốc độ tăng GDP và tăng thu ngân sách. Đó là điều chúng ta cần căn cứ để rồi có quyết định nới trần nợ công hay không.

Tôi rất hoan nghênh khi Quốc hội thời gian gần đây đã nhìn thẳng vào vấn đề và đưa ra thảo luận rất kỹ nợ công nhưng thảo luận chưa đủ cần có hành động. Thảo luận chỉ để nói cho vui, nói cho hay, nói cho biết thôi ấy thì cũng không có gì mà vui mà phải có hành động, phải làm thực tế thay đổi.

Thưa ông, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo môi trường kinh doanh 2018 cho thấy, với hàng loạt chỉ số tăng điểm, Việt Nam đã tăng tới 14 bậc so với năm ngoái, xếp vị trí 68 trong tổng số 190 nền kinh tế được đánh giá. Kết quả này là tích cực?

-Kết quả đó là tích cực. Tiến bộ phản ánh chúng ta có cải cách thay đổi. Còn chỗ nào chưa cải cách thì nhìn vào sự thật và cần lưu ý WB tăng hạng môi trường kinh doanh và tăng đến 14 bậc là khá nhiều.

Bản thân tôi đánh giá những kết quả đó là đáng hoan nghênh, chẳng hạn ở một số điểm cụ thể mình làm tốt hơn như việc tiếp cận điện khá hơn. Thu thuế được cải thiện song bên cạnh đó cũng có nhiều cái chưa cải thiện được như tôn trọng nhà đầu tư thiểu số, hay những việc khác cũng cần xem xét.

Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thúc đẩy ráo riết việc cắt giảm các thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng trong môi trường kinh doanh và Bộ Công thương cũng có cắt giảm. Nhưng vấn đề quan trọng là doanh nghiệp cũng thắc mắc với tôi rằng đó có phải là cắt giảm thật hay gộp 3 giấy phép cũ thành 1 giấy phép mới. Giấy phép mới là 1 điều kiện kinh doanh mới nhưng gồm 3 cái kia. Và nữa là người thực hiện ra sao? Không gian để người cán bộ không thực hiện cải cách thay đổi, rồi cán bộ cũng nhũng nhiễu doanh nghiệp, kỷ luật thực hiện rất kém. Chúng ta phải học tập quân đội, tiểu đội trưởng nói là phải làm, ở đây chủ tịch tỉnh ra lệnh cải cách nhưng doanh nghiệp vẫn còn nhiều việc phải lo lắm.

Để hội nhập, nhiều quan điểm cho rằng, doanh nghiệp chưa cạnh tranh, và không chịu sáng tạo nên ngày càng thụt lùi và khó hội nhập?

- Việc doanh nghiệp chịu sáng tạo hay không còn phụ thuộc vào chính sách nữa. Nếu như chính sách mà cứ đút lót là được dự án, cứ đút lót là được đất đai thì doanh nghiệp dại gì cạnh tranh. Vì họ cạnh tranh, sáng tạo cũng không bằng anh đi đút lót để được dự án, nhà đất cơ mà. Nên đừng chê doanh nghiệp, chúng ta phải tạo môi trường công bằng, bình đẳng để các doanh nghiệp cùng cạnh tranh.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngân sách và... rượu ngoại