Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) vừa tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030. Trong đó, đặt mục tiêu tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng…
Quảng cáo thuốc lá vẫn tràn lan
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại nước ta vẫn đang gặp phải những khó khăn, thách thức. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới. Những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet.
Đáng nói, tình hình vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá còn diễn ra tương đối phổ biến, điển hình là vi phạm quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi các sản phẩm thuốc lá còn cao. Bên cạnh đó, thực trạng thuốc lá được bán tràn lan ở khắp mọi nơi, giá thuốc lá rẻ, thuế thuốc lá thấp cũng là nguyên nhân làm cho khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá dễ dàng hơn và làm giảm hiệu quả của các nỗ lực cai nghiện thuốc lá.
Trước những mối nguy hại từ thuốc lá, từ năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tiếp đó Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 229/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá thuốc lá đến năm 2020. Theo đó, Chiến lược đã phê duyệt các mục tiêu và giải pháp cụ thể và thiết thực, đồng thời xác định rõ ưu tiên và định hướng của chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam trong giai đoạn 2013-2020.
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật và Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá thuốc lá giai đoạn 2013-2020, đến nay so với năm 2015, tỷ lệ nam giới hút thuốc năm 2020 giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: Nơi làm việc, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở lứa tuổi học sinh 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá.
Căn cứ trên những kết quả đạt được, những khó khăn thách thức của công tác phòng, chống tác hại thuốc lá thời gian qua, nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan xây dựng, trình và được phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá thuốc lá đến năm 2030”. Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 đặt mục tiêu chung là: “Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra”.
Ngăn chặn ung thư có nguyên nhân từ thuốc lá
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh không lây nhiễm, như ung thư, tim mạch, ước tính rằng mỗi năm gây ra 60.000 ca ung thư ở Việt Nam. Hiện, mỗi ngày các bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khám, chữa bệnh cho từ 6.000 - 8.000 bệnh nhân, trong đó 70% là các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, ung thư…
Do đó, theo ông Khuê, cần phải thực hiện quyết liệt các giải pháp để thế hệ trẻ không vướng vào thuốc lá điện tử. Qua phản ánh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, gần đây nhiều trường hợp các em học sinh phải cấp cứu vì bị ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong sản phẩm thuốc lá này. Ngoài các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn nguy cơ làm phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng đưa ra những giải pháp triển khai trong Chiến lược với nhóm các giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá như: Cần xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030, mức thuế tỉ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới; Đề xuất ban hành quy định về ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng;
Theo cảnh báo từ các chuyên gia, trên thế giới, cứ 4 giây có 1 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Mỗi ngày, có xấp xỉ 21.000 người tử vong. Còn tại Việt Nam, ước tính có khoảng 60.000 ca ung thư do thuốc lá gây ra mỗi năm. Điển hình nhất là ung thư phổi. Nguy hiểm là thế nhưng nhiều người vẫn thờ ơ trước làn khói trắng để khi phát hiện căn bệnh hiểm nghèo thì hối hận cũng quá muộn màng.
Chiến lược quốc gia về Phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 đã đặt ra các mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và các giải pháp phù hợp với từng giai đoạn thực hiện, trong đó mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36% và ở nữ giới từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%; Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 25%, tại nhà hàng xuống dưới 65%, tại quán bar/cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 50% và tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.