Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có hơn 600.000 ha cà phê, với sản lượng trên 1,5 triệu tấn. Từ nhiều năm nay, cà phê luôn là ngành đứng đầu trong top hàng hóa xuất khẩu với kim ngạch “tỷ đô”. Thế nhưng, diện tích cà phê đang trở nên già cỗi. Ngành cà phê đang đối diện với bài toán nan giải…
Thu hoạch cà phê.
Trong nhiều năm qua, cà phê đã trở thành ngành hàng nông sản chiến lược của Việt Nam, đóng góp 10% GDP nông nghiệp, 5% tổng giá trị xuất khẩu, cung cấp hơn 1 triệu việc làm và tạo 50% sinh kế cho người dân Tây Nguyên.
Cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường lớn như Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Italia, Nhật Bản, Bỉ… Riêng năm 2014, sản lượng cà phê xuất khẩu đạt con số “kỷ lục”: 1,7 triệu tấn với kim ngạch trên 3,5 tỷ USD. Thường xuyên có mặt trong nhóm hàng hóa xuất khẩu “tỷ đô” của Việt Nam, thế nhưng, ngành cà phê lại đang đối diện với những nguy cơ lớn, đó là diện tích cà phê già cỗi đang ngày một một lan rộng khiến cho chất lượng sản phẩm không đạt được như mong muốn. Ngoài ra, trước sự phát triển một cách ồ ạt trong một thời gian không theo quy hoạch khiến cho ngành này đang đau đầu với bài toán phát triển ngành cà phê một cách bền vững.
Đắc Lắc là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất Việt Nam với hơn 190.000 ha, thế nhưng hiện toàn tỉnh có trên 60.000 ha cà phê đã bước vào tuổi “hưu”, nằm trong diện cần phải tái canh. Tuy nhiên, thực tế, theo phản ảnh của bà con trồng cà phê, để tái canh, “trẻ hóa” được số diện tích cà phê già cỗi, không phải là điều đơn giản. Theo ước tính, số diện tích cà phê già cỗi của địa phương này lên đến hơn 100 ngàn ha, trong khi đó, theo tính toán của giới chuyên gia, chi phí tài chính để tái canh cho 1ha cà phê lên đến vài trăm triệu đồng. Đây thực sự là bài toán nan giải cho người nông dân vùng trồng cà phê hiện nay và cũng là bài toán chung của các nhà quản lý.
Chư M’Gar là huyện có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh Đắk Lắk với khoảng 36.000 ha, nhưng hiện toàn tỉnh co tới 20.000 ha ở độ tuổi trên 25 năm, đồng nghĩa với việc, số diện tích cà phê “lão hóa” này sẽ cho hiệu quả kinh tế rất thấp.
Theo lãnh đạo UBND huyện Chư M’Gar, việc tái canh cây cà phê phải cần một khoảng thời gian vài ba năm cả thời gian phục hồi đất, đầu tư trông mới. Trong khi đó, kinh phí để thực hiện tái canh lại cao nên việc triển khai là khá khó khăn. Tình trạng này cũng có diễn biến tương tự tại nhiều tỉnh khác ở Tây Nguyên như Gia Lai, Lâm Đồng, Đắc Nông… Tại các địa phương này, nhiều diện tích cà phê vẫn đang được bà con nông dân canh tác song đều ở tình thế chấp nhận năng suất, chất lượng thấp do cà phê đã quá già cỗi.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có khoảng 86.000 ha cà phê trên 20 năm tuổi (chiếm 15%), 140.000 ha từ 15-20 năm tuổi (25%). “Tổng diện tích cà phê già cỗi cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 năm tới là khoảng 140.000 – 160.000 ha” – ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết.
Để phát triển ngành cà phê bền vững, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, rất cần thiết phải giữ được ổn định diện tích khai thác khoảng 500.000ha, với sản lượng từ 1 - 1,1 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn cà phê nhân, giữ được 15% thị phần trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, việc đổi mới, nâng cao công nghệ sản xuất chế biến cũng đòi hỏi các DN ngành cà phê phải “sắn tay” hơn nữa. Theo giới chuyên gia, hiện nay, việc sản xuất, chế biến cà phê của ta chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các hộ gia đình, máy móc thô sơ, lạc hậu… do đó không thể nâng cao được chất lượng cà phê, từ đó cà phê của ta khó có thể nâng được sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Được biết, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) đã và đang thực hiện kế hoạch sản xuất cà phê theo hướng bền vững, áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến cà phê, có chỉ dẫn địa lý và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Song song với đó, công tác tái canh cây cà phê cũng được Tổng công ty cà phê triển khai tích cực nhằm nâng cao năng suất, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm cà phê của Việt Nam. Tuy nhiên, theo lãnh đạo của Vinacafe, việc triển khai chương trình tái canh cây cà phê còn gặp rất nhiều điểm nghẽn trong khâu tiếp cận vốn vay, đặc biệt, lãi suất vẫn cao so với khả năng, sức chịu đựng của DN ngành cà phê. “Chính phủ, các bộ ngành cần quan tâm hơn nữa đến việc giải bài toán về vốn, lãi suất cho việc tái canh cây cà phê vì đây là vấn đề đã trở nên hết sức cấp thiết” – lãnh đạo Vinacafe chia sẻ.
Giá cà phê tiếp tục giảm
Theo Bộ NN&PTNT, tuần qua giá cà phê phối nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã giảm 300- 600 đồng/kg (so với tuần trước) hiện ở mức 35.000-36.000 đồng/kg. Giá cà phê Robusta giao tại cảng Sài Gòn (giá FOB) giảm 37 USD, còn 1.692 USD/tấn.Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, hiện nông dân vẫn có xu hướng tích trữ, chờ cà phê lên giá. Theo dự báo, sản lượng cà phê niên vụ 2015-2016 tại Tây Nguyên tiếp tục giảm mạnh, khoảng 20% so với niên vụ trước đó. Đáng lưu ý, tại “thủ phủ” cà phê - Đắk Lắk, mùa khô năm nay có khoảng 40 nghìn hécta cà phê bị ảnh hưởng do khô hạn, thiếu nước.