Dự kiến kim ngạch xuất khẩu chanh dây với mảng cô đặc, đông lạnh và nước ép sẽ cán mốc 300 triệu USD, còn quả tươi có thể đạt hơn 500 triệu USD trong năm nay. Chanh dây có tiềm năng cán mốc 1 tỉ USD nếu quy hoạch tốt, cộng với việc thị trường Trung Quốc mở rộng.
Số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho thấy, cả nước hiện có gần 9.500 ha trồng chanh leo chủ yếu tập trung ở Tây Nguyên, mỗi năm cho sản lượng gần 190.000 tấn và nằm trong số 18 loại trái cây có sản lượng trên 100.000 tấn một năm. 80% sản lượng chanh leo thu hoạch hàng năm được doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu. Định hướng đến đến 2030, sản lượng chanh dây sẽ đạt 300.000 tấn, với vùng trọng điểm là Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai.
Chia sẻ dưới góc độ doanh nghiệp (DN), ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nafoods cho hay, năng suất chanh dây Việt Nam cũng vượt trội hơn gấp đôi so với Nam Mỹ (40 - 60 tấn/ha so với 15 - 20 tấn/hecta), mang lại lợi thế cạnh tranh lớn về chi phí sản xuất (khoảng 20.000 đồng/kg quả) và giá xuất khẩu (60.000 - 70.000 đồng/kg). Hiện giống chanh dây tím của Việt Nam được thế giới đón nhận mạnh mẽ dưới dạng quả tươi, khác biệt với giống vàng chua ở Nam Mỹ. Chanh dây cũng đang ở giai đoạn cuối để được Mỹ cấp phép nhập khẩu; đồng thời đã gửi hồ sơ sang Hàn Quốc, Thái Lan.
Theo giới chuyên gia nông nghiệp, chanh leo của nước ta đã được xuất khẩu sang 20 quốc gia trên thế giới dưới dạng quả tươi, đông lạnh và nước ép. Hiện Việt Nam đang là một trong những nước trồng nhiều chanh leo nhất thế giới. Thổ nhưỡng đã giúp chanh leo trồng tại Việt Nam có chất lượng hàng đầu thế giới. Hiện thị trường thế giới đang có nhu cầu cao nên 80% sản lượng chanh leo tươi và chế biến của nước ta đã được xuất khẩu. Theo đó, Việt Nam nằm trong top các quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh leo lớn trên thế giới, chỉ đứng sau Brazil, Colombia, Ecuador và Peru. Nếu quy hoạch vùng trồng, canh tác tốt và thị trường Trung Quốc mở rộng, thì tiềm năng kim ngạch xuất khẩu cản mốc 1 tỉ USD hoàn toàn có thể đạt được.
Dù có nhiều tiềm năng nhưng chanh dây nói riêng và ngành rau quả nói chung cũng đang có những rào cản nhất định. ThS. Ngô Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II phân tích, ngành trái cây Việt Nam nói chung, bao gồm cả chanh dây, phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu như kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Muốn xuất khẩu tốt, chúng ta phải làm tốt truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi. Theo đó, mỗi DN, hợp tác xã và hộ nông dân phải trở thành một mắt xích quan trọng trong việc minh bạch hóa và cam kết đảm bảo an toàn trong toàn bộ chuỗi giá trị xuất khẩu.
Đại diện Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, những năm gần đây, nước ta liên tục đẩy mạnh các biện pháp nâng cao chất lượng, sản xuất theo chuỗi, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chanh leo, trong đó tập trung vào giống chanh leo vàng và chanh leo tím. Bên cạnh đó, các DN thu mua chế biến cũng tích cực tham gia chuỗi giá trị khép kín, nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc quả chanh leo, đảm bảo tiêu chí xuất khẩu.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần có định hướng, quy hoạch rõ ràng, tránh tình trạng trồng ồ ạt khi giá cao dẫn đến rớt giá. Tăng cường quản lý giống giả, giống kém chất lượng; Cập nhật nhanh chóng và quản lý chặt chẽ các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, đồng thời kiểm tra nghiêm ngặt các đơn vị kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo; Quản lý các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh làm ảnh hưởng đến thương hiệu chung của nông sản Việt Nam.