Triển khai thực hiện Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 51-KL-TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, cụ thể Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông và nhiều văn bản hướng dẫn, quy định để thực hiện.
Chú trọng công tác tuyên truyền rộng rãi trong xã hội về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và điều kiện thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Tổ chức cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung chương trình giáo dục phổ thông trước khi triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 và các năm học tiếp theo.
Rà soát cơ sở vật chất, sửa chữa và bảo quản để đảm bảo khai thác và sử dụng có hiệu quả cho việc dạy và học. Ưu tiên ngân sách, huy động nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất, lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu của ngành giáo dục. Xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để triển khai thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông và bám sát lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Huy động tối đa mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng, góp phần giải quyết các khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục.
Chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trực thuộc Sở có giải pháp tạm thời, phù hợp với đặc điểm từng trường để bảo đảm có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp. Xây dựng phương án bồi dưỡng để giáo viên dạy các môn chung, các phân môn, đặc biệt là giáo viên dạy các môn Tin học, Tiếng Anh cấp tiểu học, môn Nghệ thuật cấp Trung học phổ thông.
Các cơ sở giáo dục tiến hành phân công giáo viên dạy các môn học/hoạt động giáo dục lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023. Triển khai chỉ đạo ưu tiên bồi dưỡng, tăng cường năng lực cho giáo viên được phân công dạy lớp 3, lớp 7, lớp 10 về xây dựng kế hoạch giáo dục, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới.
Triển khai biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7, lớp 8, lớp 9 và lớp 10, chuẩn bị để đưa vào giảng dạy trong năm học 2022-2023 theo đúng kế hoạch.
Thực hiện Chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc báo cáo số lượng học sinh dân tộc thiểu số thiếu sách giáo khoa, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổng hợp số lượng học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10 để UBND tỉnh xem xét các phương án hỗ trợ kịp thời sách giáo khoa cho học sinh là người dân tộc thiểu số trong năm học 2022-2023.
Để đảm bảo mục tiêu đổi mới giáo dục theo quan điểm “Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” và tránh dư luận xã hội hiểu sai về Quy định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông, Sở GDĐT yêu cầu các đơn vị tuyên truyền Danh mục sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông được Bộ GDĐT phê duyệt.
Tổ chức các Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 theo quy trình tại Thông tư số 25; hoàn thiện việc lựa chọn sách giáo khoa năm học 2022-2023; hoàn thiện hồ sơ về in, phát hành Tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 6; biên tập Tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7, lớp 8, lớp 9, lớp 10, trình Hội đồng thẩm định.
Rà soát, đánh giá việc sử dụng sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 sau một năm sử dụng; điều chỉnh, bổ sung Danh mục sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6. Thông báo giá sách giáo khoa và tổ chức đề xuất lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023.
Qua 2 năm thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 cho các lớp 1, lớp 2, lớp 6 đã đạt những thành quả nhất định. Kết quả này cũng nhờ cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Tỉnh Gia Lai cũng đã chỉ đạo tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo; phát triển hệ thống trường, lớp học phù hợp với địa bàn dân cư và điều kiện kinh tế - xã hội ở các địa phương, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân. Bên cạnh đó, ngành cũng nhận được sự quan tâm, ủng hộ và đồng tình của nhân dân, chính quyền địa phương các cấp về việc triển khai thực hiện.
Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 vẫn là con đường dài cùng với nhiều thách thức chủ quan và khách quan. Do đó mỗi người chúng ta cần chia sẽ, gánh vác những công việc lớn. Chịu khó suy nghĩ, tìm cách làm hay, khắc phục những khó khăn, sáng tạo trong công việc… để cùng nhau vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao.