Trong nửa đầu năm 2025, mặt hàng rau quả của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tỷ trọng chiếm 48,2%. Thị trường này cũng được xác định là trọng điểm trong những tháng cuối năm. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nâng cao mức độ tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm để giữ vững thị trường.
Xuất khẩu sầu riêng dự kiến phục hồi
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NNMT), kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng năm 2025 đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, Trung Quốc đứng thứ 2 về thị trường xuất khẩu, chiếm 17,6% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Có được kết quả trên, theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), các vùng trồng sầu riêng trọng điểm như các tỉnh miền Đông và Tây nguyên tỷ lệ bị nhiễm cadimi ít nên lượng hàng đạt chuẩn xuất khẩu tăng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp (DN) cũng cẩn trọng hơn trong việc kiểm tra chất lượng hàng trước khi xuất khẩu. Thậm chí, nhiều DN còn kiểm tra chất lượng tại vườn trước khi thu mua. Ngoài ra, nguồn hàng sầu riêng tại Thái Lan bị gián đoạn giữa các vùng trồng nên nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam tăng. Sự phục hồi của ngành hàng sầu riêng giúp kim ngạch xuất khẩu trong tháng 6 tăng vọt.
Bộ NNMT dự báo xuất khẩu sầu riêng có khả năng phục hồi mạnh từ quý III của năm 2025, đặc biệt vào mùa vụ chính từ tháng 8 đến tháng 10. Tuy nhiên, mức phục hồi vẫn phụ thuộc lớn vào việc DN và nông dân có duy trì được điều kiện an toàn thực phẩm như đã cam kết. Nếu tình trạng vi phạm còn tái diễn thì rủi ro xuất khẩu ngành hàng này vẫn còn rất lớn.
Theo ông Đỗ Hồng Khanh - Chánh Văn phòng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ NNMT), trong 6 tháng, Việt Nam đã xuất khẩu được 5.217 lô sầu riêng tươi với tổng sản lượng gần 130.000 tấn. Đáng chú ý, sầu riêng đông lạnh đạt kết quả đột phá khi xuất khẩu được 388 lô, tương đương 14.282 tấn, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Khanh cũng nhận định, xuất khẩu sầu riêng tươi có khả năng phục hồi từ quý III năm nay, đặc biệt là vào mùa vụ chính từ tháng 8 đến tháng 10. Tuy nhiên, mức độ phục hồi vẫn phụ thuộc lớn vào việc DN và nông dân có duy trì được điều kiện an toàn thực phẩm như đã cam kết hay không. Nếu tình trạng vi phạm vẫn tái diễn, rủi ro xuất khẩu với ngành hàng này vẫn còn rất lớn.
Chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng cao
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu rau, quả lớn thứ nhất của Việt Nam. Hiện Trung Quốc đã giảm thuế hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam (trong đó, có trái cây tươi) trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), mở ra nhiều cơ hội để các DN tiếp cận thị trường rộng lớn này. Riêng với mặt hàng sầu riêng, tính đến tháng 6, Việt Nam đã có 1.396 mã số vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp mã, đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. Toàn bộ dữ liệu đã được số hóa, tích hợp vào hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia, góp phần tăng tính minh bạch và nâng cao hiệu quả quản lý. Hiện có 24 phòng thử nghiệm cadimi và 14 phòng thử nghiệm vàng O đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt, đảm bảo đáp ứng yêu cầu từ thị trường Trung Quốc.
Để hỗ trợ DN tận dụng cơ hội tại thị trường này, Bộ NNMT cho biết, sẽ tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, nâng cao mức độ tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm để giữ vững thị trường, đặc biệt các mặt hàng có giá trị cao đang bị thị trường nhập khẩu kiểm soát chặt. Tăng cường xúc tiến thương mại, gia tăng xuất khẩu các mặt hàng trái cây đã được xuất khẩu chính ngạch và có lợi thế gia tăng thị phần như dừa tươi, thanh long, mít, chuối, dưa hấu, xoài, nhãn, măng cụt, vải thiều, chôm chôm, chanh dây, sầu riêng.
Đề cập về chiến lược phát triển cho ngành trái cây nói chung, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam khẳng định, trước đây, chúng ta phân ra những thị trường khó tính và những thị trường dễ tính dựa trên yêu cầu của các thị trường về chất lượng và nhất là an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, đến nay, thị trường nào cũng yêu cầu chất lượng phải cao và phải an toàn cho người sử dụng.
Chính vì vậy, để trái cây Việt Nam có thể vào được bất cứ thị trường nào, đầu tiên là phải đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi giá trị trái cây. Đồng thời phải có sự liên kết giữa những nhà vườn, trang trại với nhau, để sản xuất ra cùng một loại sản phẩm với sản lượng lớn và chất lượng như nhau. Khi ấy, ngành trái cây sẽ có sự chủ động về nguồn nguyên liệu chất lượng cao và việc tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, sản xuất trái cây cần đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao tỉ lệ tự động hóa, cơ giới hóa, qua đó có thể tăng năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.