Tết đến là dịp các hoạt động nghệ thuật, lễ hội… được tổ chức rộng khắp trên cả nước. Tuy nhiên, trước diễn biến của dịch Covid-19 vừa bùng phát trở lại nhiều hoạt động văn hóa đã phải hủy bỏ.
Sẽ dừng tổ chức lễ hội?
Việc dịch bệnh Covid-19 không chỉ làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân cả nước mà còn làm xáo trộn các kế hoạch vui Xuân, đón Tết của nhiều địa phương. Tuy nhiên, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” nhiều địa phương đã có những biện pháp quyết liệt, đặc biệt trong công tác tổ chức các lễ hội.
Chia sẻ với báo Đại Đoàn Kết, Thượng toạ Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư kí Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cho biết, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đúng vào dịp nhân dân ta chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Nhu cầu của tăng ni, Phật tử và nhân dân đến các tự viện rất nhiều.
Xuất phát từ điều đó, Ban Trị sự đã chỉ đạo cho tăng ni hạn chế tổ chức các hoạt động nghi lễ đông người tại cơ sở thờ tự. Ngoài ra có các hình thức để tuyên truyền quảng bá cho Phật tử, tín đồ và du khách khi đến các cơ sở thờ tự, lễ bái không đi đông người và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của cơ quan nhà nước.
Thượng toạ cũng nhấn mạnh, các cơ sở thờ tự chuẩn bị tổ chức lễ hội phải thực hiện đúng Công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng như Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Trước mắt, từ nay đến 10 tháng Giêng ÂL tuỳ tình hình diễn biến thực tế, Giáo hội sẽ có những chỉ đạo cụ thể.
Thông tin thêm về công tác phòng chống dịch tại các cơ sở thờ tự tỉnh Quảng Ninh, Đại đức Thích Khai Từ- GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến thời điểm này gần như các cơ sở thờ tự đã “đóng cửa”. Bản thân người dân Quảng Ninh cũng có ý thức, ai đang ở đâu thì ở nguyên tại đó. Còn với lễ hội Yên Tử khả năng sẽ tổ chức với quy mô hẹp, không tổ chức phần hội để tránh tập trung đông người.
Trước đó, hàng loạt các lễ hội cũng đã có thông báo sẽ dừng tổ chức như đền Trần, chợ Viềng (Nam Định); Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương)… Cũng theo chỉ đạo mới nhất của TP Hà Nội sẽ căn cứ tình hình thực tế, có thể chủ động chỉ đạo tạm ngừng tổ chức lễ hội.
Chia sẻ với báo chí, BTC Lễ hội Chùa Hương 2021 cho biết, chủ đề lễ hội năm nay là “Chùa Hương điểm đến an toàn, văn minh và thân thiện”, dự kiến ngày khai hội 17/2 (tức Mùng 6 tháng Giêng) trong trường hợp không có ca lây nhiễm cộng đồng. Hiện nay, BTC vẫn tiếp tục làm việc với y tế cơ sở về giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo các phương án đã đề ra. Các thành viên BTC vẫn chủ động phương án chuẩn bị lễ hội, trong trường hợp không tổ chức sẽ thông báo lại cho bà con nhân dân.
Về công tác quản lý, Bộ VHTTDL trước đó cũng đã ban hành Công văn số 5050 hướng dẫn triển khai các biện pháp an toàn phòng, chống Covid-19 trong lĩnh vực VHTTDL. Trong đó, loạt giải pháp phòng, chống dịch bệnh gồm đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh trên pa nô, bản hướng dẫn, tờ rơi, loa phát thanh ở các điểm du lịch, văn hóa, điểm tổ chức lễ hội.
Bắt buộc đeo khẩu trang khi tham gia lễ hội. Tăng cường thanh kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước tại các địa phương.
“Huỷ show”, dời ngày diễn
Không chỉ các lễ hội, với việc bất ngờ bùng phát dịch Covid-19 các hoạt động văn hoá, nghệ thuật biểu diễn cũng ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể, buổi ghi hình cuối cùng chương trình Táo quân 2021 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô đã phải biểu diễn mà không có khán giả. Lý do được BTC đưa ra là do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên ê kíp đã phải đưa đến quyết định này.
Ca sĩ Trọng Tấn cũng chia sẻ, dù đã mất cả tháng để chuẩn bị những bản nhạc hay nhất gửi đến khán giả nhưng show diễn “Khoảng khắc” (tối 28/1) đã phải huỷ bỏ. Chương trình sẽ được tổ chức sau Tết khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát.
Tương tự nhiều nghệ sĩ như Ngọc Anh, Giáng Son, Vũ Duy Khánh, Hà Lê… cũng phải hủy nhiều chương trình cho dù chỉ còn vài tiếng nữa là đến giờ biểu diễn. Còn ca sĩ Phạm Quỳnh Anh cũng đã gửi xin lỗi khán giả vì không thể tham gia đêm nhạc tối 29/1 tại Hà Nội. Ngoài ra, cô nhận được nhiều cuộc gọi hủy chương trình từ các đơn vị, tổ chức.
Không chỉ các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, trước tình hình lây lan của dịch Covid-19 lĩnh vực điện ảnh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đơn cử, đoàn làm phim “Gái già lắm chiêu V” đã phải thông báo huỷ sự kiện công chiếu phim tại Hà Nội dự kiến được tổ chức vào ngày 5/2 dù ê kíp đã đặt vé máy bay và chi trả gần như 100% cho các khâu sản xuất, dựng sân khấu. Còn đoàn làm phim “Lật mặt: 48h” và “Bố già”, dù vẫn còn lịch chiếu trong dịp Tết những phía đoàn làm phim cho biết kế hoạch này có thể thay đổi tuỳ thuộc vào tình hình dịch bệnh.
Về phía Hội Nhà văn Việt Nam cũng thông tin, sự kiện của Hội dự kiến diễn ra sáng 1/2 tại Bảo tàng Văn học Việt Nam sẽ bị hủy bỏ. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã đăng thông tin trên trang cá nhân và trang web của hội, đồng thời gọi điện tới các hội viên cao tuổi để thông báo. Ông bày tỏ, BCH hy vọng tình hình Covid-19 được kiểm soát nhanh chóng để thực hiện sự kiện này trong tháng Giêng năm Tân Sửu.
Với nghệ sĩ, cuối năm là dịp bận rộn chạy show với hàng loạt các chương trình nghệ thuật lớn nhỏ, các chương trình tất niên, tổng kết của các công ty. Bởi vậy bị hủy show sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào các nghệ sĩ vẫn giữ tinh thần lạc quan. Nhiều nghệ sĩ còn chia sẻ các thông tin về phòng chống dịch, kêu gọi cộng đồng phải đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn thường xuyên, tránh tụ tập nơi đông người để cùng chung tay ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.