Xã hội

Ngành vi mạch - bán dẫn: Cơ hội không giới hạn

Dung Hòa 14/01/2024 11:18

Số liệu thống kê cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực vi mạch - bán dẫn. Trước thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cao hiện vẫn được coi là “điểm nghẽn” để Việt Nam có thể đón bắt cơ hội trong ngành công nghiệp chip bán dẫn, các chuyên gia cho rằng, phải tăng đội ngũ này lên 10 lần để đạt con số 50.000 như mục tiêu đã đặt ra.

12.jpg
Doanh nghiệp đang “khát” nhân lực chất lượng cao ngành vi mạch, bán dẫn. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Cơ hội lớn nhưng còn thiếu nhân lực

Theo dự báo, nhu cầu về nhân lực ngành bán dẫn đang tăng lên liên tục, có thể nói là không giới hạn, khi mà rất nhiều doanh nghiệp, công ty trên thế giới có xu hướng đổ về Việt Nam và thuê sử dụng nhân lực của Việt Nam. Theo một khảo sát của Hội Công nghệ vi mạch - bán dẫn TPHCM (HSIA), kỹ sư thiết kế chip mới ra trường được chào đón, có việc làm ngay, lương khoảng 15 triệu đồng/tháng. Kỹ sư có từ 1 - 3 năm kinh nghiệm, thu nhập từ 20 - 30 triệu/tháng, tương đương ngành công nghệ thông tin (IT). Nếu theo nghề 5 - 10 năm, lương kỹ sư ngành này cao gấp 1,5 lần IT, có thể lên tới 2.500 - 3.000 USD/tháng, còn hơn 10 năm kinh nghiệm thì thu nhập không dưới 1,5 tỷ đồng/năm…

Mới đây, tại Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam, ông Nguyễn Phúc Vinh - Giám đốc kỹ thuật Synopsys Việt Nam cũng cho biết, nhân lực thiết kế vi mạch mới ra trường có thu nhập sau thuế mỗi năm gần 220 triệu đồng, với những người có kinh nghiệm lâu năm lên đến 1,5 tỷ đồng. Ông Vinh cho hay, nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn của các công ty rất lớn, tuy nhiên vẫn không đủ đáp ứng. Còn Tổng giám đốc Qorvo Việt Nam - ông Trịnh Khắc Huề cho biết từ đầu năm 2023, doanh nghiệp này có nhu cầu tuyển 20 kỹ sư, nhưng đến hiện tại chỉ mới tuyển được 6 kỹ sư có kiến thức về vi mạch. Điều này cho thấy nhân lực trong ngành chip bán dẫn đang thiếu rất lớn.

Lý giải điều này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn phân tích, hiện nước ta đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thiếu hụt này nằm ở quy luật khách quan trong quan hệ cung - cầu giữa hệ thống giáo dục - đào tạo và thị trường lao động.

Nhân dịp Hội thảo nói trên, 5 cơ sở giáo dục ĐH gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ cùng ký kết Biên bản Hợp tác nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thống nhất kế hoạch hành động cùng các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam để sẵn sàng đảm bảo, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo để hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp bán dẫn trong chuỗi giá trị chip bán dẫn toàn cầu từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045; thống nhất đề xuất cơ chế, chính sách với Chính phủ để phát triển số lượng người học, tạo dựng đội ngũ chuyên gia về bán dẫn trong các cơ sở giáo dục ĐH.

Cơ sở đào tạo đón xu thế

Mùa tuyển sinh 2024, nhiều trường ĐH đã công bố phương thức tuyển sinh. Trong đó, ngành, chuyên ngành vi mạch - bán dẫn được nhiều trường mở mới. Cụ thể, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (thuộc ĐH Đà Nẵng) sẽ tuyển sinh gần 200 chỉ tiêu cho chuyên ngành đào tạo thiết kế vi mạch trong năm 2024. Cùng đó, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn cũng sẽ tuyển sinh chuyên ngành thiết kế vi mạch trong mùa tuyển sinh năm nay.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho biết, nhà trường cũng đã triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn kỹ sư thiết kế vi mạch thông qua hợp tác với các chuyên gia và doanh nghiệp nước ngoài từ năm 2023. Tuy nhiên từ khóa tuyển sinh năm 2024, trường mới bắt đầu tuyển sinh và đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch.

Trước đó, từ năm 2023 Trường ĐH FPT cùng Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT thành lập Khoa Vi mạch bán dẫn nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt tại Việt Nam. Khoa dự kiến đón lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024 với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, thực hiện nghiên cứu cho ngành vi mạch - bán dẫn của Việt Nam. Ông Nguyễn Vinh Quang - Giám đốc Công ty Bán dẫn FPT kiêm Quyền trưởng khoa Vi mạch - bán dẫn nhận định, thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam có cơ hội nắm bắt nhu cầu toàn cầu này để vươn lên trong bảng xếp hạng về cả giáo dục và cung ứng nhân sự chất lượng cao.

Thống kê của Bộ GDĐT cho hay, hiện nay có 35 cơ sở giáo dục đào tạo ĐH của Việt Nam đang trực tiếp đào tạo lĩnh vực trực tiếp, hoặc gần với ngành này. Còn theo số liệu từ Cổng thông tin Khoa học và công nghệ quốc gia, Việt Nam hiện có hơn 5.570 kỹ sư thiết kế vi mạch - bán dẫn. Nhân lực ngành vi mạch tập trung chủ yếu ở TPHCM với trên 85%, tại Hà Nội khoảng 8% và Đà Nẵng khoảng 7%. Mỗi năm chỉ có khoảng 500 - 600 sinh viên tốt nghiệp ngành bán dẫn từ các trường ĐH của Việt Nam.

Tạo cơ chế thu hút người học

Để đón đầu xu thế, đáp ứng nhu cầu nhân lực lớn trong tương lai, Việt Nam đã chuẩn bị những gì? PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho hay, hiện nay có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong những năm qua Việt Nam đã có chính sách, truyền thông khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH mở rộng, phát triển các ngành đào tạo STEM, trong đó tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), các ngành phục vụ nhân lực Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - AI, Bigdata,… Bà Thủy đánh giá, các trường ĐH kỹ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn - vi mạch.

Hiện thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này rất cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước. Về hình thức đào tạo, theo đại diện Bộ GDĐT, việc đào tạo có thể tuyển mới đào tạo từ đầu, hoặc sinh viên học các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối, hoặc kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn - vi mạch.

Tuy nhiên, theo bà Thủy, thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn - vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng. Bộ GDĐT đang đề xuất 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ, khuyến khích người học (học bổng, miễn giảm học phí, tín dụng ưu đãi…); hỗ trợ, đầu tư đột phá để tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu (năng lực đội ngũ giảng viên, trang thiết bị thí nghiệm, công cụ phần mềm thực hành, thí nghiệm và mô phỏng); khuyến khích, thúc đẩy hợp tác ĐH - viện nghiên cứu - doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.

Về khối các trường nghề, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) chia sẻ: Hiện đơn vị đã bắt đầu triển khai ở một số trường được đầu tư phát triển công nghệ cao, có lợi thế về thiết bị, nhà giáo, về chương trình đào tạo... có thể đồng loạt triển khai đào tạo, xây dựng các hướng để đào tạo nguồn nhân lực này. Tất nhiên, đây là bài toán dài hơi, không thể chỉ 1, 2 năm có thể hoàn thành mà cần sự đầu tư lâu dài, bài bản.

Bà Hương cho rằng, các trường cần có sự chuẩn bị sát nhất về đội ngũ nhà giáo. Các chương trình đào tạo cũng phải thực sự bám sát nhu cầu của thị trường. Không thể đặt ra yêu cầu quá vĩ mô mà chúng ta phải xác định rõ đào tạo ra nguồn nhân lực ra sao, con người thế nào để có sự chuẩn bị phù hợp. Đương nhiên có nhiều phân khúc thị trường song các trường phải xác định cho đúng, trúng hướng đi của mình để từ đó có bước phát triển phù hợp.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy đánh giá, các trường ĐH kỹ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn - vi mạch.

Tháng 7/2023, Chính phủ đã giao cho các bộ ngành khẩn trương xây dựng và triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Trong đó, Việt Nam dự kiến đào tạo khoảng 30.000 - 50.000 nhân lực, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành vi mạch - bán dẫn: Cơ hội không giới hạn