Bờ biển ngập rác thải là thực trạng tồn tại suốt nhiều năm qua tại các xã ven biển Ngư Lộc, Minh Lộc của huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa).
Xã Ngư Lộc có bờ biển dài khoảng 3km, nơi đây có tới 90% dân số làm nghề khai thác chế biến thủy hải sản dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng.
Chỉ cần đi dọc bờ biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, ai cũng có thể chứng kiến những hình ảnh phản cảm khi rác thải ngập tràn bờ biển, từ túi nylon, vỏ chai nhựa, lốp xe đến rác thải xây dựng. Cứ thủy triều lên, rác lại tràn vào bờ. Nhiều năm nay, người dân vùng biển Ngư Lộc đã phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như thế này.
Theo thống kê, toàn xã có trên 800 tàu thuyền lớn, nhỏ có công suất từ 10 đến 1000 CV. Lượng dầu của tàu thuyền thải ra môi trường lớn, gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
Ngoài ra, nguyên nhân rác tồn đọng, một phần do địa hình đặc thù của vùng biển Ngư Lộc là lòng chảo, mỗi khi thuỷ triều rút lại có một lượng lớn rác thải bị đẩy vào bờ. Một phần do ý thức của người dân mang ra rác sinh hoạt ra bãi biển vứt, lâu ngày gây tình trạng ngập rác.
Vào những ngày nắng, khu vực bãi biển bốc lên mùi hôi thối, khó chịu từ rác thải và xác sinh vật chết.
Thời gian qua, mặc dù xã đã huy động hàng trăm cán bộ, đoàn viên, thanh niên đồng loạt tổng dọn vệ sinh bờ biển, thu gom hàng chục tấn rác thải, đồng thời thuê thiết bị, phương tiện xúc và vận chuyển rác để xử lý, tuy nhiên, tình trạng rác thải ngập tràn bờ biển vẫn tái diễn.
Tình trạng ô nhiễm bờ biển xã Ngư Lộc sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn nếu chính quyền và các cơ quan chức năng không có các giải pháp hiệu quả xử lý rác thải tồn đọng.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cần được đẩy mạnh nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn môi trường biển.
Theo lãnh đạo UBND xã Ngư Lộc cho biết, khu vực ven biển của xã thường xuyên bị ngập rác thải do lượng dân cư tập trung đông đúc và hoạt động đánh bắt thủy hải sản.
Để giải quyết vấn đề này, chính quyền địa phương đã cùng với hàng trăm người dân tham gia chiến dịch “Hành động vì môi trường xanh - sạch - đẹp”, mỗi tháng dọn dẹp một đến hai lần.
Mỗi lần huy động, có tới 400- 500 người tham gia thu gom để đốt rác lên tới cả chục tấn. Nhiều đợt xã này còn thuê cả máy xúc dọn dẹp nhưng không thể xử lý dứt điểm được. Huyện, tỉnh cũng đã nhiều lần về nhưng chưa có hướng xử lý.